(HNM) - Có thể nói, nhu cầu giáo dục, đào tạo nghề trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang rất lớn. Bởi vậy, thời gian tới, các ngành chức năng thành phố đã đưa ra những giải pháp căn cơ nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo nghề.
Sinh viên đang thực hành về nhóm ngành nhà hàng khách sạn. |
Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết, đến nay có 5 dự án đầu tư công được triển khai thực hiện tại các trường nghề trực thuộc các sở, với tổng mức đầu tư trên 549 tỷ đồng. Cụ thể, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đang triển khai Dự án Xây dựng Trường Trung cấp Xây dựng TP Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư 186 tỷ đồng.
Tương tự, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đang thực hiện 2 dự án: Mua sắm trang thiết bị dạy nghề của Trường Cao đẳng nghề Nguyễn Trường Tộ (tổng mức đầu tư 14,227 tỷ đồng) và xây dựng, sửa chữa nâng cấp Trường Trung học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh (42,416 tỷ đồng). Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh có 2 dự án: Mua sắm trang thiết bị thực tập chuyên ngành công nghệ kỹ thuật điện (6,124 tỷ đồng) và cải tạo, đầu tư xây dựng cơ sở 2 của Trường Cao đẳng Giao thông - Vận tải (300,370 tỷ đồng).
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, từ khi UBND thành phố ban hành Quyết định số 2567/QĐ-UBND ngày 23-5-2017 về ban hành kế hoạch thực hiện “Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh đến năm 2020”, thành phố đã đầu tư cho 2 trường nghề chất lượng cao và 6 trường được lựa chọn nghề trọng điểm.
Đến nay, Sở mới nhận được 7 hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư. Về đầu tư cho các ngành mũi nhọn, Sở mới nhận được 2/7 hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư của các trường. Nguyên nhân tiến độ các dự án còn chậm là do hồ sơ của các đơn vị chưa bảo đảm thủ tục theo quy định, nhiều đơn vị chưa gửi hồ sơ đề xuất.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 517 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện việc đầu tư, xây dựng trường chất lượng cao, trường nghề trọng điểm. Trong năm 2017 có 7 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc thành phố đã tiến hành lập dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2018-2020 với tổng số vốn 900 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sở đã đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung vào danh sách các trường nghề trọng điểm đối với một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp được sáp nhập từ ngành Giáo dục và Đào tạo.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Lâm, các dự án còn lại cần có sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan để sớm hoàn thành hồ sơ. Nếu đẩy nhanh được tiến độ thực hiện thì việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại sẽ thu hút hiệu quả người học nghề, nâng cao chất lượng đào tạo, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tế sản xuất.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay cần rà soát quy hoạch lại những trường đào tạo các ngành nghề tương đồng, thu hút học viên bằng những ngành nghề trọng điểm mà xã hội đang cần. Các trường cần chú trọng vào đầu tư chất lượng đào tạo để bảo đảm được yêu cầu của doanh nghiệp.
Ngoài ra, tiến độ thực hiện các dự án còn liên quan đến việc thẩm định, kiểm định chất lượng của trường. Nếu không đáp ứng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thì không thể thực hiện được kiểm định, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, đến người học và thương hiệu của trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.