(HNMO) - Hàng loạt các trường nghề phía Nam tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo để nâng cao chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động đã mang lại hiệu quả bước đầu.
Hiệu quả bước đầu
Tại tỉnh Đồng Nai, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (Bộ Xây dựng) được xem là điển hình về hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề, trong đó có các chương trình hợp tác với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ). Với sự hỗ trợ, chuyển giao chương trình đào tạo từ phía Đức, hiện nhà trường đã đào tạo được 4 nghề theo tiêu chuẩn của Đức (cắt gọt kim loại, cơ khí xây dựng, cơ điện tử và điện tử công nghiệp).
Những sinh viên tốt nghiệp 4 ngành này sẽ được cấp 1 bằng nghề của Việt Nam và 1 bằng nghề theo tiêu chuẩn Đức. Cũng với 4 ngành này, nếu người học tham gia chương trình đào tạo thuộc dự án “Con đường đến Đức” sẽ có cơ hội sang làm việc tại Đức với mức lương khá hấp dẫn.
Vừa qua, 50 sinh viên tham gia Chương trình cơ chế đối tác thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp và di cư lao động định hướng phát triển (PAM) thuộc dự án “Con đường đến Đức” được miễn 100% học phí và được nhận học bổng 39 euro/tháng.
Sinh viên Lê Hương Giang tham gia chương trình cho biết: “Riêng học viên nữ được nhận học bổng 79 euro/tháng. Sau khi tốt nghiệp, có 25 học viên đạt chuẩn sẽ được đưa sang làm việc tại Đức”.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều trường nghề đã đa dạng hóa ngành nghề, hợp tác đào tạo với đối tác ngoài nước giúp học sinh, sinh viên tăng cường năng lực tiệm cận trình độ quốc tế. Điển hình, từ năm 2017 đến nay, Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ đã liên kết với Học viện Chisholm (Australia) đào tạo thí điểm 2 nghề cấp độ quốc tế gồm: Quản trị máy tính và ứng dụng phần mềm. Hiện đã có 25 sinh viên ra trường và tìm được việc làm tại nhiều doanh nghiệp nước ngoài (đạt tỷ lệ 90% số học viên theo học). Nhà trường đang tiếp tục mở rộng liên kết với các nước như: Ðức, Hàn Quốc, Anh... đào tạo nhiều ngành nghề có nhu cầu cao trong lĩnh vực kỹ thuật, cơ khí, công nghệ...
Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều trường nghề đã phối hợp đào tạo nghề liên kết quốc tế. Đơn cử, Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng thành phố Hồ Chí Minh là trường nghề đầu tiên được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp phép đào tạo liên kết cấp bằng nước ngoài.
Đáng chú ý là sự “bắt tay” của nhà trường với Viện Tiểu thủ công nghiệp và Kỹ năng nghề Leipzig (Đức) về đào tạo ngành công nghệ ô tô. Cùng với đó, từ năm 2021, nhà trường đã liên kết với Trường Cao đẳng City of Glasgow (Anh) để xây dựng 5 ngành đào tạo được thị trường quan tâm như: Công nghệ kỹ thuật cơ khí, điện công nghiệp, quản trị mạng máy tính, lập trình máy tính và tiếng Anh…
Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng thành phố Hồ Chí Minh - Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc thông tin, thời gian tới, nhà trường tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, xưởng thực hành hiện đại cũng như tăng cường trao đổi đội ngũ giảng viên, sinh viên với các đối tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học.
“Chúng tôi sẽ khuyến khích việc học tập và nghiên cứu ở nước ngoài bằng các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước; đồng thời tăng cường giao lưu văn hóa và học thuật quốc tế, tài trợ các dự án, đề tài của nước ngoài thông qua các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế”, ông Phạm Hữu Lộc nói.
Tương tự, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ Trần Thị Xuân Mai cho biết, từ nay đến năm 2025, thành phố Cần Thơ tiếp tục tăng cường huy động các nguồn lực xã hội nhằm thu hút, sử dụng và quản lý các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo. Từ đó, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Lâm Văn Quản nhận định: “Đất nước đang mở cửa, chúng ta mời gọi đầu tư quốc tế nên giáo dục nghề nghiệp cũng phải theo hướng tiếp cận này. Chúng ta phải hướng tới việc cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Muốn vậy, sinh viên nghề của Việt Nam phải được trang bị kỹ năng quốc tế, để không bị mất cơ hội việc làm bởi lao động nước ngoài ngay tại Việt Nam”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.