Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong 10 năm tới là đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn mới đặt ra yêu cầu về phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khoa học và công nghệ khác trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh. Trên chặng đường này, việc học hỏi kinh nghiệm từ các viện nghiên cứu thành công là vô cùng cần thiết.
VKIST - Môi trường nghiên cứu tiệm cận thông lệ quốc tế
Được thành lập năm 2017 với rất nhiều khó khăn và áp lực, nhưng vượt lên tất cả, bằng sự nhiệt huyết, quyết tâm và kiên trì theo đuổi mục tiêu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST – Bộ Khoa học và Công nghệ) đang bước những bước đi đầu tiên trên hành trình xây dựng một viện nghiên cứu với tầm nhìn là đơn vị nghiên cứu cung cấp giải pháp công nghệ chiếm lĩnh thị trường số 1 tại Việt Nam.
Hiện tại, VKIST đã gặt hái được một số thành quả đáng ghi nhận về cả phần cứng (cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu, văn phòng…) và phần mềm (các quy chế nội bộ, hệ thống lương đặc thù, cơ chế triển khai dự án nghiên cứu...). VKIST có nhiều nghiên cứu viên giỏi, cùng nhiều chuyên viên có trình độ từ nước ngoài trở về cống hiến cho Tổ quốc.
Nhiều nhà khoa học nhận xét, môi trường nghiên cứu tiệm cận thông lệ quốc tế tại VKIST đã thu hút họ trở về và tạo điều kiện để họ phát huy tối đa năng lực trong nghiên cứu. Tiến sĩ Hoàng Anh Việt, Phó Trưởng phòng Công nghệ năng lượng của Viện đánh giá, VKIST không ngừng hoàn thiện mô hình quản lý hiện đại để tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, nơi các nhà khoa học có sự tự chủ nhất định trong nghiên cứu. Trong quy trình thực hiện các nhiệm vụ khoa học - công nghệ tại đây, các nghiên cứu viên chỉ việc tập trung vào công tác nghiên cứu và dành tối đa thời gian cho đề tài của mình, không phải quan tâm đến các thủ tục hành chính như đấu thầu, mua sắm, thanh quyết toán… vì đã có bộ phận chuyên trách hỗ trợ.
Trong năm 2024, VKIST đã triển khai 35 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, với tổng kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng. Theo PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng VKIST, hiện nay VKIST đã thành lập 5 hướng nghiên cứu bao gồm: Công nghệ sinh học, công nghệ tích hợp công nghệ sinh học - công nghệ thông tin (IT-BT), công nghệ thông tin, cơ điện tử và công nghệ năng lượng và môi trường. Các hoạt động nghiên cứu của VKIST sẽ là cầu nối rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu hàn lâm với nhu cầu công nghệ và các giải pháp thực tế cho doanh nghiệp. Mô hình VKIST được kỳ vọng sẽ trở thành tiền đề cho các tổ chức nghiên cứu tại Việt Nam học hỏi và đổi mới, từ đó tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự chuyển mình của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Cũng theo PGS.TS Vũ Đức Lợi, với tầm nhìn “là nhà cung cấp giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp”, VKIST gắn kết các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp có tiềm năng áp dụng công nghệ ngay từ khi bắt đầu công tác nghiên cứu, tạo sự liền mạch và rút ngắn thời gian từ lúc có kết quả nghiên cứu đến lúc doanh nghiệp thực sự có nhu cầu sử dụng công nghệ, cũng như công nghệ tìm được đến đúng doanh nghiệp đang cần sử dụng nó. Trong năm 2025, VKIST sẽ tập trung vào các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có tính ứng dụng cao, đồng thời tiếp tục phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh và tập trung vào công nghệ mới; VKIST định hướng xây dựng, lựa chọn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo mô hình lấy doanh nghiệp làm trung tâm; Nghiên cứu xây dựng mô hình nhóm nghiên cứu mạnh của VKIST do một nhà khoa học có uy tín, có năng lực, trình độ chuyên môn cao đứng đầu dẫn dắt để phát triển một hướng nghiên cứu có tính liên ngành, dài hạn, có tính tiên phong, đột phá nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị khoa học và thực tiễn cao; xây dựng cơ chế phù hợp trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong, ngoài Viện khai thác tối đa các nguồn lực từ xã hội, doanh nghiệp vào hoạt động khoa học và công nghệ của VKIST; lấy sản phẩm cuối cùng (output) là thước đo để đánh giá sự thành công cho hoạt động khoa học và công nghệ của VKIST.
“Chúng tôi hướng tới xây dựng mạng lưới kết nối các doanh nghiệp tiềm năng nơi có nhu cầu ứng dụng công nghệ vào sản xuất sản phẩm của mình. Hiện nay, VKIST đang từng bước thiết lập mạng lưới doanh nghiệp này xoay quanh các hướng nghiên cứu chính của VKIST. Các doanh nghiệp tiềm năng được giới thiệu các công nghệ mà Viện đang và sẽ thực hiện nghiên cứu, trao đổi nhu cầu sử dụng công nghệ của doanh nghiệp, qua đó đến gần hơn với nhu cầu áp dụng công nghệ của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng có thể “đặt hàng nghiên cứu” đối với VKIST thông qua các hình thức như hợp tác nghiên cứu chung, dịch vụ khoa học và công nghệ. VKIST gọi đây là “nghiên cứu dựa theo nhu cầu của thị trường”, được coi là bước đi quan trọng trong công tác chuyển giao công nghệ cũng như mục tiêu hoạt động của Viện” – Viện trưởng Vũ Đức Lợi thông tin.
NARIME - nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định
Trải qua hơn 6 thập kỷ hình thành và phát triển, đến nay, Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME – Bộ Công thương) đã từng bước khẳng định là đơn vị nghiên cứu đầu ngành, tạo bước đột phá cho sự phát triển ngành cơ khí – tự động hóa, một ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, giúp nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế đất nước.
TS Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết, trong hoạt động khoa học và công nghệ, Viện đã thực hiện thành công các đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp và được áp dụng vào sản xuất, giảm dần nhập khẩu thiết bị, công nghệ từ nước ngoài, giảm giá thành các dự án cho các chủ đầu tư trong nước, tiết kiệm ngoại tệ cho nhà nước… Đáng chú ý, Viện đã thực hiện thành công nhiều dự án lớn, trọng điểm của đất nước, sản phẩm của Viện được chủ đầu tư đánh giá chất lượng tương đương hàng nhập ngoại như thực hiện thiết kế, chế tạo các dây chuyền thiết bị đồng bộ cho các ngành điện, than, dầu khí, xi măng, giấy, khoáng sản... Đặc biệt, Viện còn đủ năng lực làm tổng thầu EPC hay EPCM cho nhiều lĩnh vực, như: Thủy điện, nhiệt điện, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, năng lượng mới và công nghệ cao... và là đối tác chuyển giao công nghệ cho các nhà sản xuất nước ngoài.
Trong 5 năm gần đây, Viện đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh với doanh thu bình quân trên 1.000 tỷ đồng/năm, đời sống cán bộ viên chức và người lao động của Viện ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Hiện nay, NARIME đã triển khai nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ cao theo hướng công nghệ 4.0 với trọng tâm là các dây chuyền sản xuất tự động, các kho chứa thông minh phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế số... NARIME đang là nhà cung cấp các dây chuyền thiết bị, đồ gá hàn chính, thay thế các nhà thầu nước ngoài cho các nhà máy sản xuất ô tô lớn ở trong nước, trong đó có hãng sản xuất xe ô tô VinFast.
“Chúng tôi đã thành công trong việc ứng dụng dây chuyền để sản xuất, lắp ráp ô tô của VinFast và các dây chuyền lắp ráp đã đưa vào vận hành, góp phần cho ra đời một số dòng xe như VF7, VF8, VF3... Đây là một thành công và thể hiện được rằng người Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ được những công việc khó mà từ trước tới nay là đặc quyền của các nhà thầu nước ngoài" - TS Phan Đăng Phong chia sẻ.
Có được những kết quả này là nhờ NARIME luôn xác định việc đào tạo nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định để tự chủ thành công. Do đó, công tác tuyển dụng, đào tạo ngắn và dài hạn luôn được quan tâm, theo một quy trình chặt chẽ, có sát hạch, được thử thách trong các dự án cụ thể, với sự kèm cặp của cán bộ có kinh nghiệm. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, NARIME còn hợp tác với một số trường đại học, viện nghiên cứu tại Hàn Quốc và một số quốc gia trong khu vực để đào tạo trình độ sau đại học cho đội ngũ cán bộ.
“Thời gian tới, Viện tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển ngành cơ khí, trọng tâm là cơ chế, chính sách mua và tiếp nhận chuyển giao các công nghệ nguồn tại các dây chuyền thiết bị toàn bộ trong các lĩnh vực nhiệt điện khí, thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, hóa chất, thiết bị máy nông nghiệp, góp phần nâng cao tỷ lệ sản xuất trong nước, giảm nhập siêu, hạ giá thành sản phẩm, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho ngành cơ khí trong nước” – TS Phan Đăng Phong thông tin.
(còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.