Sáng 9-4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức hội thảo: “Một số ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV”.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cho biết: Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 5-5-2025 sẽ xem xét, quyết định các nội dung cấp thiết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền; xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; xem xét sửa đổi 13 dự án luật để tiếp tục phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xem xét, thông qua 11 dự án, dự thảo và nội dung quan trọng khác, trong đó có việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức thảo lấy ý kiến, phản ánh, kiến nghị của trí thức khoa học và công nghệ nhằm góp phần nâng cao chất lượng Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến, trong đó tập trung vào các vấn đề: Lao động, việc làm và an sinh xã hội; sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang được triển khai trong thời gian qua; cơ hội, thách thức để hoàn thành mục tiêu của Quốc hội; giải pháp để thực hiện thành công Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia…
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và phát triển, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, để thực hiện thành công Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị cần một cuộc cách mạng về thể chế mạnh mẽ như cuộc cách mạng về cải cách bộ máy hành chính đang diễn ra, thay đổi toàn bộ quy định pháp luật liên quan đến quản lý đầu tư, xây dựng và môi trường, chuyển hẳn từ quản lý đầu vào, trình tự thủ tục rườm rà, kém hiệu quả, lãng phí và rủi ro công vụ rất lớn cho cán bộ, công chức và Đảng viên, sang quản lý bằng kết quả đầu ra và cơ chế hậu kiểm. Chỉ có như thế thì mới khắc phục được tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm nào cũng thấp và cơ hội hoàn thành được các dự án động lực trọng điểm đưa đất nước lên đường băng cất cánh vào kỷ nguyên mới.
Bên cạnh đó, cần có chính sách hợp lý để huy động một phần nguồn lực trong dân cũng như một nghị quyết mạnh mẽ và quyết liệt của Bộ Chính trị về nội địa hóa các công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đời sống dân sinh. “Để làm được nội địa hóa, tức là nhận được chuyển giao công nghệ thực sự thì phải thay đổi cơ chế đấu thầu, sửa luật đấu thầu hiện nay. Theo đó, ở mỗi lĩnh vực hoặc phân công việc cụ thể, nên giao cho các nhà thầu trong nước làm chủ gói thầu, điểm năng lực tính theo chuyên gia mà họ thuê, để tham gia đầu thầu” – ông Đông chỉ rõ.
Về việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, TS Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho rằng, dư luận xã hội và người dân cả nước rất ủng hộ và kỳ vọng sự thành công của cuộc cách mạng đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên người dân, nhất là đội ngũ trí thức đã từng kinh qua công tác chưa thật sự an tâm và có phần lo lắng liên quan đến cách làm và lộ trình thực hiện.
Theo ông Tân, cách thực hiện và lộ trình có vẻ quá nhanh vội, với tiến độ dự kiến hoàn thành trong năm 2025. “Nghị quyết số 18-NQ/TW nêu quan điểm chỉ đạo là: ‘bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp, Điều lệ và các văn kiện của Đảng trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị’. Dự kiến việc sắp xếp tổ chức bộ máy có nội dung bỏ chính quyền cấp huyện buộc chúng ta phải tính đến việc phải sửa đổi một số quy định trong Hiến pháp để phù hợp với quan điểm đã nêu trong Nghị quyết số 18. Chúng ta đã quyết định bỏ cấp huyện trong khi chưa sửa Hiến pháp. Mặt khác dự kiến kể cả việc xây dựng Dự thảo Hiến pháp sửa đổi và lấy ý kiến nhân dân sẽ thực hiện trong thời gian rất ngắn liệu có bảo đảm tính khả thi? Mặt khác, trong Điều lệ Đảng tại các Điều 10; 18; 19; 20 có đề cập tới cấp ủy huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Điều 48 quy định: “Chỉ Đại hội đại biểu toàn quốc mới có quyền sửa đổi Điều lệ Đảng’. Như vậy, việc xóa bỏ ngay cấp huyện là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp và Điều lệ Đảng” – ông Tân nêu rõ .
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.