(HNM) - Thanh toán không dùng tiền mặt qua dịch vụ ngân hàng điện tử thời gian qua tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Phát huy kết quả đã đạt được, các ngân hàng và tổ chức tín dụng đang chú trọng đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng đồng thời ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Thay đổi thói quen thanh toán
Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Tiến Dũng, quý I-2021, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức tăng trưởng khá. So với cùng kỳ năm 2020, giao dịch qua kênh internet đạt 156,2 triệu lượt với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395,05 triệu lượt với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 78% về số lượng và 103% về giá trị; giao dịch qua kênh QR code đạt 5,3 triệu lượt với giá trị 4.479 tỷ đồng, tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị. Riêng hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đạt 482,5 triệu lượt với giá trị gần 4,6 triệu tỷ đồng, tăng hơn 100%.
Đến nay có 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 44 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Toàn thị trường có 272.263 điểm thanh toán thẻ và 19.714 máy rút tiền tự động. Đặc biệt, các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến vẫn tiếp tục được các tổ chức tín dụng thực hiện nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh.
Khảo sát của Visa - công ty thanh toán kỹ thuật số hàng đầu thế giới cho thấy, tổng giá trị giao dịch thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam trong những tháng đầu năm 2021 trên thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ Visa tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020. Đã có tới 85% người tiêu dùng đang sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử trên điện thoại thông minh để mua sắm hàng hóa và dịch vụ ít nhất một lần một tuần và 44% người tiêu dùng lần đầu tiên mua sắm qua các kênh mạng xã hội kể từ khi đại dịch lan rộng.
Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào Đặng Tuyết Dung cho rằng: “Thói quen mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi đáng kể với mong muốn trải nghiệm mua sắm an toàn, tiện lợi hơn. Ngày càng có nhiều người sử dụng thanh toán không tiếp xúc và nhiều công ty chuyển dịch sang nền tảng kỹ thuật số. Các xu hướng này sẽ còn tiếp tục được duy trì”.
Ông Nguyễn Hoàng (Khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ) nhận xét, dịch vụ ngân hàng điện tử ngày càng tiện lợi. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, người dùng càng yên tâm hơn vì không phải sử dụng tiền giấy và hạn chế tiếp xúc trực tiếp.
Các ngân hàng chạy đua chuyển đổi số
Trong bối cảnh kinh tế số phát triển, ngân hàng số trở thành định hướng tập trung nhằm tạo ra các dịch vụ mới không dùng tiền mặt và xây dựng nên lợi thế cạnh tranh của các ngân hàng. Bên cạnh đó, khi dịch Covid-19 bùng phát, chuyển đổi số là việc mà bất cứ ngân hàng nào cũng phải tính toán. Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ra mắt ứng dụng ngân hàng số Digibank. Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát động chiến dịch chuyển đổi số "BIDV digi up". Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) có hệ thống ngân hàng tự động (LiveBank)...
Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Phạm Doãn Sơn chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế số hiện nay, việc kết hợp phát triển đồng thời mạng lưới điểm giao dịch cùng với hệ thống giao dịch trực tuyến là mô hình phù hợp nhất với thị trường Việt Nam. Nước ta có 65% dân số sống ở vùng nông thôn nên LienVietPostBank lựa chọn chiến lược đón đầu thị trường này, thông qua mạng lưới các điểm giao dịch nằm tại tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện trên cả nước để tư vấn, hỗ trợ khách hàng tăng khả năng tiếp cận, sử dụng dịch vụ không dùng tiền mặt. Năm 2021, ngân hàng đặt kế hoạch có thêm 1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng ngân hàng số LienViet24h.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, số hóa là cuộc chiến "sống còn" của ngành Ngân hàng và bối cảnh dịch Covid-19 đã góp phần đẩy nhanh quá trình này. Hơn nữa, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tạo ra hai lợi ích cơ bản là giảm thiểu chi phí giao dịch và gia tăng lợi nhuận, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm cho người dùng.
Chia sẻ về những kế hoạch thời gian tới, đại diện Visa cũng khẳng định sẽ tiếp tục phổ biến những lợi ích của xã hội không tiền mặt đến người tiêu dùng Việt Nam, với kế hoạch triển khai các công nghệ mới, tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận những phương thức thanh toán hiện đại.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money). Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo nâng cấp, hoàn thiện, phát triển hạ tầng chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; hỗ trợ chuyển đổi số nhằm giúp các ngân hàng, tổ chức trung gian cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.