Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Nhóm phóng viên| 03/11/2021 07:08

(HNM) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng, phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Dư luận cho rằng, thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt vừa để phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp, vừa góp phần minh bạch thanh toán, chống tham nhũng, tiêu cực.

Người dân thanh toán không dùng tiền mặt tại Trung tâm thương mại Aeon Mall (quận Long Biên). Ảnh: Đỗ Tâm

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu:
Tăng cường cơ chế phối hợp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Thời gian qua, Sở tập trung đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Tập trung đầu tư hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của các tổ chức tín dụng với hạ tầng của cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, ngân hàng để phục vụ yêu cầu phối hợp thu, chi ngân sách nhà nước bằng phương thức điện tử. Với việc Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh thanh toán điện tử trong lĩnh vực dịch vụ hành chính công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán. Đồng thời, tăng cường cơ chế phối hợp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nhằm minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế, góp phần xây dựng chính quyền điện tử... để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội quận Hà Đông Nguyễn Văn Sơn:
Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, minh bạch hóa giao dịch

Để tạo thuận lợi cho khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, tôi nhận thấy, nhiều năm qua, các ngân hàng đã chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, minh bạch hóa giao dịch thanh toán trong nền kinh tế, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, rửa tiền. Điển hình, ngành Ngân hàng đã ứng dụng công nghệ mới, hiện đại để thanh toán qua xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt... Các ngân hàng thương mại đã ký kết thỏa thuận với các đơn vị để cung ứng dịch vụ thu tiền điện, tiền nước, học phí, viện phí; chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội quận Hà Đông cũng coi việc ứng dụng công nghệ mới để hạn chế thanh toán dùng tiền mặt là mục tiêu quan trọng của mình, đặc biệt khi Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Chủ tịch Công ty TNHH bán lẻ BRG Nguyễn Thái Dũng:
Tạo thuận lợi cho khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán hiện đại

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành mục tiêu hướng đến của nhiều quốc gia. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát thì việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là cần thiết, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hình thức thanh toán này hiện không chỉ quẹt thẻ mà còn có nhiều hình thức khác như quét mã QR, ví điện tử MoMo, thẻ Visa "chạm"… Nhận thức rõ tiện ích của thanh toán không dùng tiền mặt, Tập đoàn BRG tập trung đầu tư để chuỗi hệ thống siêu thị, các cửa hàng triển khai nhiều giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng làm quen và sử dụng các hình thức thanh toán hiện đại, không dùng tiền mặt.

Bà Nguyễn Vân Anh, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm:
Mang đến tiện ích cho cả người mua và người bán

Trước đây tôi mở nhà hàng, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đành đóng cửa. Khu chung cư tôi ở có tới 8 tòa nhà cao 40 tầng với hàng chục ngàn cư dân nên nhu cầu mua sắm thực phẩm, đồ chế biến sẵn của khách hàng rất lớn. Việc bán hàng, thanh toán trực tuyến rất tiện lợi, mang đến tiện ích cho cả người mua và người bán. Với thực tế đã trải nghiệm, tôi quyết định thay đổi phương thức kinh doanh, chuyển từ bán hàng tại chỗ sang bán hàng trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt. Cách làm này thực sự phù hợp, thuận lợi cho tôi và đặc biệt giúp tôi giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch. Tôi tin rằng, đây là xu hướng mà nhiều người kinh doanh sẽ áp dụng và được xã hội đón nhận.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.