Theo thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, hơn 77% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản thanh toán ngân hàng. Riêng 7 tháng của năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt tăng hơn 50% về số lượng so với cùng kỳ năm 2022, cho thấy sự “bùng nổ” của dịch vụ này.
Tăng về lượng và giá trị
Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Phạm Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, thẻ tín dụng tại Việt Nam phát triển nhanh chóng. Riêng thẻ tín dụng nội địa, Việt Nam có 15 tổ chức phát hành, với khoảng 811,4 nghìn thẻ đang lưu hành (tăng 42,5% so với năm 2022). Mức độ tăng trưởng bình quân là 29,6%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thẻ tín dụng quốc tế (17,72%/năm). Không chỉ tăng về số lượng, thanh toán không dùng tiền mặt qua kênh internet tăng 66,46% về số lượng, qua kênh điện thoại di động tăng 63,09% về số lượng; qua QR code tăng 124,15% về số lượng.
Đặc biệt, từ cuối tháng 3-2021 đến nay, có gần 27 triệu tài khoản được mở bằng phương thức điện tử eKYC, 10,8 triệu thẻ lưu hành bằng phương thức eKYC.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) Nguyễn Đăng Hùng thông tin, giai đoạn 2021-2022, thanh toán không dùng tiền mặt tăng 86% về số lượng giao dịch và 31% về giá trị giao dịch. Sau giai đoạn dịch Covid-19, thanh toán không tiếp xúc qua QR code và thanh toán bằng thẻ trở nên phổ biến hơn. Internet và điện thoại thông minh phát triển đã thúc đẩy hình thức sử dụng điện thoại thanh toán ở Việt Nam. Trên thế giới có công nghệ và sản phẩm thanh toán nào thì ở Việt Nam có sản phẩm đó.
Thực tế, việc phát triển thẻ tín dụng nội địa tạo ra sự đa dạng các sản phẩm, danh mục, dịch vụ, mở rộng đối tượng khách hàng và hệ sinh thái thanh toán của các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử. Một số tổ chức phát hành thẻ đã phối hợp phát triển sản phẩm thẻ tín dụng nội địa với nhiều tiện ích, tính năng như công nghệ thẻ chip tiếp xúc và phi tiếp xúc, ghi nợ, tín dụng được tích hợp trên một thẻ. Công nghệ mới đem lại những tín hiệu tích cực cho sự thành công của dòng sản phẩm thẻ tiềm năng này trong thời gian tới.
Còn nhiều tiềm năng
Các chuyên gia cho rằng, khi phát hành thẻ nội địa, tổ chức phát hành thẻ được quyền chủ động trong việc xây dựng mức phí phù hợp với đối tượng khách hàng. Ví dụ như phí phát hành, phí thường niên… Những cơ sở chấp nhận thẻ cũng có mức phí phù hợp với các phân khúc khách hàng, qua đó góp phần tạo sự linh hoạt và thúc đẩy phát triển thẻ nội địa.
Đại diện một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội nhận định, phát triển thẻ tín dụng nội địa là bước tiến khẳng định thương hiệu thẻ sử dụng công nghệ, hạ tầng thanh toán trong nước, sử dụng đồng tiền Việt Nam để kết nối, xử lý thanh toán an toàn, tin cậy, thông suốt.
Về tiềm năng phát triển của thẻ tín dụng nội địa trong thời gian tới, lãnh đạo các ngân hàng thương mại tin rằng, một số tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Có thể kể ra những điểm hấp dẫn như: Thủ tục mở thẻ đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp - giúp khách hàng nhanh chóng sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý, thông tin minh bạch, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tài chính toàn diện và đẩy lùi vấn nạn "tín dụng đen".
Chủ tịch Hội đồng quản trị NAPAS Nguyễn Quang Hưng khẳng định, thời gian tới, thẻ tín dụng nội địa sẽ là dòng thẻ "quốc dân" được các ngân hàng sử dụng như một phương tiện cấp tín dụng tiêu dùng, giúp nhóm yếu thế tiếp cận một khoản vay với chính sách thuận tiện, nhanh chóng. Bên cạnh đó, thẻ tín dụng nội địa còn được sử dụng thanh toán trực tiếp tại các điểm bán hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán trong giao thông công cộng, rút tiền/chi tiêu thông qua mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thị trường thanh toán điện tử nhằm đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của người dân và doanh nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nghiên cứu, ban hành, trình ban hành nhiều quy định phù hợp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, tiêu chuẩn kỹ thuật QR code, thẻ chip, chuẩn hoá tính liên thông trong ngành Ngân hàng, giữa ngân hàng với các lĩnh vực khác... Đồng thời, các ngân hàng được khuyến khích nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, thiết lập hệ sinh thái số để có các sản phẩm an toàn, nâng cao trải nghiệm khách hàng, đem lại lợi ích lớn cho khách hàng.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, những chính sách, quy định kịp thời đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng phát triển dịch vụ thanh toán số, biến thanh toán điện tử trở thành một phần quen thuộc, phổ biến trong hoạt động hằng ngày của người dân, doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.