(HNM) - Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với nhiều điểm mới. Theo đó, kể từ ngày 1-1-2022, khi luật chính thức có hiệu lực, nguồn rác thải từ hộ gia đình, cá nhân sẽ được phân thành 3 loại; chi phí thu gom, phân loại rác thải sẽ dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Thay vì thu tiền xử lý rác thải theo bình quân đầu người như hiện nay, các cá nhân, hộ gia đình càng xả nhiều rác sẽ càng phải trả nhiều tiền. Dư luận kỳ vọng, quy định mới sẽ giúp đẩy mạnh phân loại rác từ hộ gia đình, tạo cuộc “cách mạng” trong bảo vệ môi trường.
Bà Nguyễn Phương Thu, số nhà 21 phố Đức Giang, phường Thượng Thanh, quận Long Biên:
Giúp nâng cao nhận thức của người dân
Theo quy định mới, rác sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân thành 3 loại: Chất thải có khả năng tái chế, sử dụng; chất thải thực phẩm; chất thải khác. Thực tế, việc phân loại rác thải đã được thực hiện ở tất cả các nước tiên tiến trên thế giới từ nhiều năm nay. Việc tính khối lượng rác thải cũng không hề khó khăn. Mỗi loại rác thải sẽ được quy định để trong những bao bì đựng rác có màu sắc khác nhau, tương ứng với thể tích theo quy định. Dựa vào thể tích túi đựng rác, cơ quan thu gom sẽ dễ dàng tính được khối lượng rác thải ra.
Theo tôi, việc thu tiền theo lượng rác thải trực tiếp không chỉ tạo công bằng, nâng cao nhận thức của người dân, mà còn giúp các đơn vị thu gom có thêm nguồn kinh phí để xây dựng các nhà máy xử lý rác hiện đại. Tuy nhiên, để các nhà máy xử lý rác hoạt động hiệu quả, điều kiện tiên quyết là phải sớm hiện thực hóa việc phân loại rác thải tại nguồn.
Chị Đặng Minh Anh, thôn Đặng, xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức:
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động việc phân loại rác ngay tại nguồn
Để Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống, theo tôi việc phân loại rác thải phải thực hiện ngay từ bây giờ. Để làm được điều đó, các cấp cơ sở cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình phân loại rác ngay tại nguồn, đồng thời phát huy tối đa vai trò giám sát của cộng đồng dân cư trong việc phân loại rác. Từ đây, sẽ hình thành thói quen phân loại rác trong sinh hoạt, sản xuất và hạn chế tối đa lượng rác thải ra môi trường.
Huyện Mỹ Đức quê tôi, có lễ hội chùa Hương kéo dài hơn 3 tháng với hàng trăm nghìn lượt du khách đi thuyền trên dòng suối Yến để vào chùa nên bài toán phân loại, thu gom rác thải vô cùng nan giải do lượng rác thải ra môi trường rất lớn. Do vậy, cùng với những quy định mới, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng cùng ý thức của người dân, hy vọng Mỹ Đức sẽ làm tốt việc phân loại rác thải tại nguồn.
Ông Vũ Minh Cường, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường đô thị Hoàng Mai - Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long:
Cần phân cấp rõ trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp
Phân loại rác từ hộ gia đình là việc bắt buộc phải thực hiện của một quốc gia tiên tiến. Để thực hiện tốt quy định của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), cần phải tạo nếp phân loại rác tại nguồn của từng hộ gia đình, không đợi rác tới nhà máy mới phân loại. Muốn làm được việc này, các nhà sản xuất thùng rác phải làm thùng 3 ngăn, in chữ. Thùng rác 3 ngăn phải có nhiều kích thước khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của từng cá nhân, hộ gia đình.
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng quy định rõ quyền, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư. Đây là nội dung rất mới, yêu cầu phải có sự vào cuộc đồng bộ, nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị và từng người dân trong bảo vệ môi trường. Do vậy, trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật, phải phân cấp rõ trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp để quy định của luật sớm đi vào cuộc sống.
Luật sư Lại Huy Phát, Văn phòng luật sư Huy Phát, số 101A3, ngõ 128C phố Đại La, quận Hai Bà Trưng:
Phải có chế tài xử phạt nặng với hành vi không phân loại rác thải
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của người dân. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh; phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Và thay vì thu tiền thu gom rác thải theo cách “cào bằng” hiện tại, người dân sẽ phải trả khoản tiền tương ứng với lượng rác thải ra. Đặc biệt, rác có khả năng tái sử dụng và rác thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình nếu phân loại đúng sẽ không phải trả phí; trường hợp phân loại không đúng quy định thì phải chi trả cho tất cả các loại rác thải phát sinh. Quy định này sẽ “đánh” thẳng vào túi tiền của chính người dân, buộc họ phải nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phân loại và xả thải rác.
Để luật phát huy hiệu quả, chúng ta cũng cần phải có chế tài xử phạt nặng với hành vi không phân loại rác thải ngay từ hộ gia đình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.