(HNMO) - Chiều 18-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung 4 điều của Luật Tổ chức Chính phủ và 23 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Trong đó, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, có điểm đáng lưu ý là Chính phủ đề xuất giao cho cơ quan này thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn. Cụ thể, Chính phủ sẽ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; biên chế tối thiểu của các tổ chức hành chính; số lượng cấp phó tối đa của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, Chính phủ quy định tiêu chí thành lập tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan chuyên môn có tính đặc thù thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, một số điều, khoản liên quan đến việc thực hiện cơ chế phân quyền, phân cấp, ủy quyền trong các cơ quan của chính quyền địa phương các cấp; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, HĐND và UBND các cấp cũng được chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tán thành sự cần thiết của việc sửa đổi luật hiện hành nhằm thể chế hóa các quy định và tinh thần mới của Hiến pháp 2013 về tổ chức, hoạt động của Chính phủ; khắc phục những hạn chế, tháo gỡ khó khăn về tổ chức hoạt động của Chính phủ và đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, Chính phủ với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp cần làm tốt chức năng kiến tạo phát triển, hoạch định chính sách. Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành đề xuất Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và quy định về tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Các ủy viên Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, mô hình tổ chức chính quyền địa phương trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương được quy định tương đối đồng nhất giữa các loại đơn vị hành chính, chưa có sự phân biệt giữa các đơn vị hành chính ở nông thôn, hải đảo và đô thị; nhiều trường hợp còn có tư tưởng bình quân, cào bằng. Vì vậy, Bộ Nội vụ cần nghiên cứu, đề xuất những quy định mang tính linh hoạt hơn, để trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể cho phép áp dụng thí điểm mô hình chính quyền địa phương phù hợp ở từng loại đơn vị hành chính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.