Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh ký cam kết đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ

Ngọc Quỳnh| 29/04/2022 07:03

(HNM) - Việc ký cam kết sản xuất an toàn thực phẩm đối với các hộ sản xuất, kinh doanh ban đầu nhỏ lẻ bảo đảm cung cấp sản phẩm ra thị trường đạt chất lượng, an toàn hơn. Tuy nhiên, công tác quản lý, kiểm soát ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Đoàn kiểm tra liên ngành Sở NN&PTNT kiểm tra an toàn thực phẩm một hộ kinh doanh nông, lâm, thủy sản tại huyện Đông Anh. Ảnh: Trung Kiên

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, thực hiện Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT, đến nay, các quận, huyện, thị xã đã ký cam kết được 187.875/198.108 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, đạt 94,8%. Các xã, phường, thị trấn đã giao cán bộ chăn nuôi, thú y và trồng trọt, bảo vệ thực vật thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giám sát và tổ chức kiểm tra, hậu kiểm chấp hành các nội dung đã ký kết.

Theo Chủ tịch UBND xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) Trần Thế Anh, hiện nay trên địa bàn xã có hàng trăm hộ sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ. Xã đã phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh phổ biến kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn cho các hộ và yêu cầu các hộ ký cam kết sản xuất theo hướng an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc như: Cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm ở xã còn thiếu trong khi sản phẩm nông nghiệp phụ thuộc thời vụ nên khi cơ quan chức năng kiểm tra không có hàng hóa hoặc đã bán hết.

Còn theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát, phần lớn cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ chưa nắm bắt kịp thời các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao; còn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, thuốc thú y, hóa chất kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản...

Để tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh ở các hộ nhỏ lẻ, theo Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Lan Vinh (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Lan, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản ở các cơ sở nhỏ lẻ, cũng như truy xuất nguồn gốc, nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, các địa phương quy hoạch vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn để giám sát nguồn thực phẩm sạch từ đồng ruộng, trang trại tới bàn ăn.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, huyện phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm cho cán bộ; tăng cường hướng dẫn cơ sở thực hiện công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; nắm bắt và kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở. Các xã, thị trấn cần chủ động vận động các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tuyên truyền để nâng cao việc giám sát của cộng đồng dân cư đối với các cơ sở này và báo cho lực lượng chức năng nếu nghi ngờ hoặc phát hiện những dấu hiệu hoạt động bất thường của cơ sở sản xuất chế biến nông sản vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, để quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ từ gốc - mắt xích đầu tiên trong chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện cơ sở vi phạm lần đầu thì nhắc nhở, nhiều lần trở lên thì tùy mức độ vi phạm tiến hành xử phạt nghiêm theo quy định. Mặt khác, kiện toàn tổ chức lực lượng quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường từ thành phố tới quận, huyện, thị xã đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh ký cam kết đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.