(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải tại các nhà máy hiện hữu sang công nghệ đốt phát điện. Đến năm 2020, chính quyền thành phố phấn đấu tỷ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50%, đến năm 2025 tối đa là 20%, tạo năng lượng xanh, giảm ô nhiễm môi trường.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, hiện việc xử lý chất thải của thành phố chủ yếu là chôn lấp. Mặc dù các bãi chôn lấp đều hợp vệ sinh, nhưng vẫn phát sinh mùi hôi, ô nhiễm tầng nước ngầm... cần thay đổi.
Trên cơ sở quy hoạch định hướng hệ thống quản lý chất thải, thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đốt phát điện để xử lý chất thải; đến năm 2025, chỉ còn 20% khối lượng rác thải được xử lý bằng chôn lấp.
Để thực hiện mục tiêu này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ nay đến cuối năm 2019, thành phố sẽ khởi công xây dựng 3 nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện. Các nhà máy này được áp dụng công nghệ đồng bộ (đốt thu hồi năng lượng phát điện) với hiệu suất cao; không phát tán mùi hôi, khí thải, nước thải, chất thải rắn phát sinh...
Hiện nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên đã được xây dựng tại huyện Củ Chi cuối tháng 8 vừa qua, với công suất 2.000 tấn/ngày và nâng công suất lên 6.000 tấn/ngày vào năm 2021, giúp thành phố có thể giải quyết triệt để 50% lượng rác thải. Ông Ngô Như Hùng Việt, Giám đốc Công ty cổ phần Vietstar (chủ đầu tư) cho biết, với tổng vốn đầu tư 400 triệu USD, nhà máy có thiết bị vận hành theo công nghệ Đức, dự kiến hoạt động từ năm 2020. “Nhà máy hoạt động theo dây chuyền khép kín nên không phát tán mùi hôi và không gây ô nhiễm không khí cho các khu vực lân cận”, ông Việt cam kết.
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến trong tháng 10 và tháng 11 tới, thành phố sẽ khởi công thêm 2 nhà máy đốt rác phát điện. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty cổ phần Tasco. Đến năm 2020, thành phố tiếp tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng 2 nhà máy đốt phát điện. Khi đi vào hoạt động, các nhà máy này sẽ thu hồi điện năng từ rác, một phần điện phục vụ cho nhà máy và phần còn lại hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Ngoài ra còn có các sản phẩm tái chế như gạch không nung, vật liệu xây dựng…
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lợi ích lớn nhất của công nghệ đốt rác thải khép kín, thu hồi nhiệt phát điện là giảm được lượng chất thải và diện tích chôn lấp, tạo năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính. Mặt khác, công nghệ mới sẽ giảm được nước rỉ rác và kiểm soát mùi chất thải dễ dàng... góp phần xây dựng môi trường thành phố ngày càng xanh tươi, sạch đẹp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.