Môi trường

Giải bài toán xử lý rác thải cồng kềnh

Hoàng Sơn 08/07/2024 - 06:39

Giường, tủ, nệm, bàn, ghế... cũ, hỏng hay những gốc cây, thân cây… không còn giá trị sử dụng là nhóm rác thải cồng kềnh song lại không thuộc diện được thu gom hằng ngày, nên rất dễ gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.

Với thách thức này, Hà Nội đang thực hiện thí điểm thu gom, xử lý rác thải cồng kềnh tại 5 quận nội thành, hướng đến phân loại rác đồng bộ trong thời gian tới.

rac.jpg
Rác thải cồng kềnh được công nhân Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội thu gom đưa về nghiền tại Khu xử lý chất thải Cầu Diễn.

Thí điểm tại 5 quận nội thành

Mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 7.000-7.500 tấn rác thải sinh hoạt và chất thải khác, trong đó có rác thải cồng kềnh. Từ năm 2006, Hà Nội đã thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nhưng không duy trì được, do thiếu trang, thiết bị và hạ tầng thu gom không đồng bộ. Các loại rác thải rắn sinh hoạt và rác thải cồng kềnh vẫn bị trộn lẫn và đưa đi chôn lấp. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có quy định, bắt đầu từ ngày 1-1-2025, các địa phương triển khai phân loại rác tại nguồn. Để sớm đưa luật vào cuộc sống, từ tháng 6-2024, Hà Nội đã triển khai thí điểm phân loại rác thải tại 23 phường của 5 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Nam Từ Liêm.

Có mặt tại điểm tập kết rác thải cồng kềnh trên địa bàn phường Thành Công (quận Ba Đình) lúc 18h ngày 5-7, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, một số tủ gỗ, kệ hàng, ghế sô-fa hỏng được xếp ngay ngắn chờ công nhân môi trường đến mang đi xử lý. Bà Nguyễn Thị Điển ở khu tập thể G1, đường Nguyên Hồng (phường Thành Công) chia sẻ: “Chúng tôi ủng hộ phương án phân loại rác thải tại nguồn, nhất là việc thí điểm thu gom rác thải cồng kềnh. Bởi, trước đây, rác thải cồng kềnh không nằm trong danh mục rác thải được thu gom hằng ngày, nên nhiều gia đình vứt bỏ ngay bên vệ đường, vỉa hè... Nay, trên địa bàn có điểm thu gom loại rác thải này, chúng tôi rất mừng, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, giữ gìn cảnh quan đô thị”.

Tương tự, phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) đã bố trí điểm tập kết rác thải cồng kềnh trên phố Trần Quang Khải - Hàng Mắm. Từ 7h đến 10h sáng thứ bảy hằng tuần, phường phối hợp với công nhân môi trường thu gom miễn phí rác thải cho người dân. Ngoài thời gian trên, các hộ dân muốn tập kết rác thải cồng kềnh phải liên hệ với Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm để được hỗ trợ xử lý.

Chị Lê Minh Dân, công nhân Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Từ tháng 6-2024 đến nay, ngoài việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, Khu xử lý chất thải Cầu Diễn có thêm nhiệm vụ phân loại và xử lý rác thải cồng kềnh. Công việc tuy khó khăn, vất vả hơn và có nguy cơ bị tai nạn lao động nhưng để làm sạch môi trường, chúng tôi luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiện vụ”.
Hiện chưa có thống kê về lượng rác cồng kềnh phát sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội, song theo báo cáo của Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Cầu Diễn, trong hơn 1 tháng triển khai thí điểm, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm phát sinh từ 15 đến 20 tấn rác thải cồng kềnh. Với khối lượng rác này, nếu không được thu gom, xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan đô thị.

Sớm đánh giá kết quả để đề xuất nhân rộng

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn cho biết, khái niệm rác cồng kềnh được đề cập trong nhiều văn bản pháp luật. Chẳng hạn, tại Khoản 4, Điều 3, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10-1-2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tháng 11-2023 quy định rõ: Rác thải cồng kềnh được hiểu là vật dụng gia đình như tủ, giường, nệm, bàn, ghế hoặc các vật dụng tương tự khác hoặc gốc cây, thân cây, cành cây có kích thước lớn, quá khổ. Các văn bản này cũng quy định trách nhiệm chủ nguồn thải, đơn vị thu gom; hướng dẫn cách thức xử lý rác cồng kềnh...

Để xử lý hiệu quả nguồn chất thải này, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản về thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông về việc thí điểm thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cồng kềnh trên địa bàn 5 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Nam Từ Liêm từ tháng 6 đến tháng 12-2024. Lãnh đạo thành phố giao các địa phương phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội triển khai các công việc liên quan đến công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cồng kềnh, bảo đảm hiệu quả, đúng quy định.

Theo đó, thay vì dùng phương án truyền thống là thu gom rồi phá dỡ, cuốn ép rác để chôn lấp, rác thải cồng kềnh từ hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đường phố được tiến hành thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết xử lý bằng cách nghiền nhỏ rồi bán lại cho các cơ sở sản xuất làm nguyên liệu vận hành lò hơi. Phương án này phù hợp với hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác tại nguồn của Bộ Tài nguyên và Môi trường là loại rác bắt buộc phải được phân loại từ ngày 1-1-2025. Đồng thời, mô hình thu gom, xử lý rác thải cồng kềnh là bước đệm để thành phố có những phương án hoàn chỉnh, đồng bộ hơn trong công tác xử lý loại chất thải này.

UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị triển khai mô hình thí điểm tại 5 quận theo đúng quy định. Sau thời gian thí điểm, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện của các đơn vị để báo cáo, đề xuất UBND thành phố triển khai nhân rộng từ ngày 1-1-2025.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán xử lý rác thải cồng kềnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.