Góc nhìn

Đẩy lùi tình trạng né tránh trách nhiệm

Minh Nguyệt 22/07/2024 - 06:04

Cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm không còn là tâm lý đơn thuần, mà đã trở thành thực trạng đáng lo ngại, xuất hiện ở không ít cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong hệ thống chính trị. Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có những chỉ đạo quyết liệt khắc phục tình trạng này, song thực tiễn đòi hỏi những hành động cụ thể, thiết thực hơn ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.

1. Sau hàng loạt những vụ án tham nhũng lớn được đưa ra ánh sáng, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố. Song, thực tế cũng đã xuất hiện tâm lý sợ sai, sợ vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ. Hiện trạng này không chỉ diễn ra đơn lẻ mà xuất hiện ở nhiều địa phương, ở cả một số bộ, ngành Trung ương, trong một bộ phận công chức, trong các hoạt động kinh tế - xã hội, mà thể hiện rõ nhất là trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, giải quyết thủ tục hành chính, đầu tư cho phát triển doanh nghiệp, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp... Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ được giao đã cố tình trì hoãn công việc; nếu đùn đẩy được cho người khác, cho cơ quan khác hay lên cấp trên là thực hiện ngay. Họ quan niệm “có làm có sai, không làm không sai”, nếu việc gì không phải “nước sôi lửa bỏng”, “cháy nhà chết người”, có thể trì hoãn được là làm cầm chừng.

Trước đây, không ít người vẫn có suy nghĩ, trong lĩnh vực đầu tư công sẽ dễ kiếm chác vì có phần trăm, hoa hồng; nên cán bộ suy thoái đạo đức coi đây là động cơ để họ triển khai, tổ chức công việc. Nhưng nay họ thấy Đảng, Nhà nước chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, biết là khó xà xẻo được của công, nếu cố tình thì dễ bị kiểm tra, phát hiện, xử lý. Chính vì vậy, những người này cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh công việc. Đáng buồn hơn, không ít cơ chế còn cản trở, những thủ tục còn rườm rà không đáng có, gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp, đòi hỏi phải nhanh chóng được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ; nhưng “vẫn cứ ì ra đấy” không chịu chuyển động. Trong báo cáo tổng hợp mới nhất, Bộ Nội vụ khẳng định: “Vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc. Điều đó dẫn đến chậm tiến độ, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và niềm tin của doanh nghiệp, người dân”.

Thực trạng cán bộ như vậy gây thiệt hại nhiều mặt, như lỡ cơ hội, lãng phí, tiêu cực... Các cơ quan trung ương và nhiều cấp ủy địa phương đã nhận diện và có những giải pháp quyết liệt để khắc phục. Trong đó, Thành ủy Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu. Để tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 7-8-2023, trong đó có sáng kiến nhận diện 25 biểu hiện của cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, làm căn cứ để cán bộ tự đánh giá và phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 148-QĐ/TƯ về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Một trong những trường hợp như vậy được nêu rõ trong Quy định là: "Cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao". Nhằm thể chế hóa quy định trên, mới đây, Bộ Nội vụ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Nghị định này đã bổ sung, cụ thể hóa 5 trường hợp xem xét tạm đình chỉ công tác với công chức, trong đó có trường hợp cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

2. Kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm là nhiệm vụ chính trị, là mệnh lệnh đặt ra đối với các cấp, các ngành, địa phương.

Điều quan trọng hàng đầu là bản thân người cán bộ, công chức, viên chức phải tự giác thay đổi nhận thức, nâng cao đạo đức công vụ, coi danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất, coi phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc là lẽ sống, là niềm vinh dự, tự hào. Đó cũng chính là điều mỗi người có thể học hỏi được từ tấm gương sáng ngời của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng, chiến sĩ cộng sản đã dâng hiến trọn cuộc đời vì nước, vì dân, vì lý tưởng cao đẹp.

Để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các cấp ủy Đảng cần đổi mới hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục và xây dựng văn hóa, đạo đức trong Đảng; trước mắt, cần tổ chức thực hiện thật hiệu quả Quy định số 144-QĐ/TƯ ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về “Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”, tạo ra sức bật mới về ý thức trách nhiệm, tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Mặt khác, các cấp ủy Đảng và các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa việc thực hiện Kết luận số 14-KL/TƯ ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Cơ chế và quy định mới phải đủ sức nặng để tạo lòng tin cho cán bộ, đảng viên, thực sự là bệ đỡ cho tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là những người sẵn sàng hết lòng cống hiến vì nước, vì dân. Đó còn là trách nhiệm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiếp tục cải cách thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách để minh định các vấn đề còn có cách hiểu khác nhau, khắc phục tình trạng quy định thiếu rõ ràng, còn chung chung, thậm chí mơ hồ khiến cán bộ không biết làm thế nào cho đúng, tuyệt đối triệt tiêu tình trạng "không làm cũng sai, mà làm cũng sai".

Các tập thể cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương cần tăng cường hơn nữa sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức, của tập thể, coi đây là bàn đạp cho những ý tưởng và nỗ lực cống hiến của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tạo ra môi trường làm việc văn hóa, nơi không có chỗ cho sự ỉ lại, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, mà luôn luôn dồi dào sức cống hiến, rực cháy ngọn lửa của tinh thần trách nhiệm.

Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần coi công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra là biện pháp mang tính mấu chốt thúc đẩy tinh thần trách nhiệm với công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra phải là nơi mà mỗi cán bộ, công chức, viên chức nhìn vào thì biết rõ nếu cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm thì sẽ bị phê bình, kỷ luật; mà nếu một lòng, một dạ nỗ lực cống hiến nhưng nhỡ xảy ra sai sót thì chắc chắn sẽ được bảo vệ.

Tập trung tạo chuyển biến rõ rệt từ những giải pháp căn bản ấy, chắc chắn tình trạng cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm sẽ được đẩy lùi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy lùi tình trạng né tránh trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.