Giáo dục

NXB Giáo dục Việt Nam phản bác thông tin sai sự thật, vi phạm Luật Báo chí và quy ước về đạo đức nghề báo

Thống Nhất 25/05/2025 21:20

Ngày 25-5, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có thông cáo báo chí phản bác thông tin sai sự thật, vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí và quy ước về đạo đức nghề báo.

nxbgdvn.jpg
Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có 68 năm truyền thống, làm nhiệm vụ cung ứng sách giáo dục cho giáo viên, học sinh và bạn đọc trên toàn quốc.

Theo Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, Báo điện tử VnExpress vừa đăng tải bài viết “Nhà Xuất bản Giáo dục lãi kỷ lục” của tác giả Phương Đông với nhiều thông tin sai sự thật, có tính chất tấn công truyền thông, gây hiểu lầm nghiêm trọng trong dư luận, làm tổn hại đến uy tín, thương hiệu và quyền lợi hợp pháp của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

Bài báo đã thông tin sai sự thật

Theo TCBC của NXBGD, sau khi đưa thông tin, số liệu về hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, bài báo kết luận: “Đơn vị này cũng là nhà xuất bản lớn nhất cả nước với gần 40 công ty thành viên và có vốn góp. Nhiều thập kỷ qua, họ độc quyền xuất bản sách giáo khoa cho học sinh. Cuối năm 2022, Thanh tra Chính phủ xác định họ lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, độc quyền để đăng ký giá sách giáo khoa cao bất hợp lý”.

Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định, bài báo trên đã thể hiện rõ ý đồ xuyên tạc, bôi nhọ Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam bằng thủ thuật đưa số liệu rồi “xào xáo” thông tin sai sự thật kết hợp với thông tin cũ để làm sai bản chất vấn đề - một kiểu làm báo phi đạo đức mà các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí đã nhiều lần nhắc nhở, chấn chỉnh và dư luận xã hội cũng đã nhiều lần lên tiếng.

Là một doanh nghiệp nhà nước, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam không hề độc quyền, mà chỉ là một trong số những nhà xuất bản tham gia xuất bản sách giáo khoa - bao gồm cả những đơn vị tư nhân - một cách bình đẳng.

Trong hai năm 2023-2024, bằng uy tín, kinh nghiệm và bề dày thương hiệu của một doanh nghiệp nhà nước, thông qua việc tối ưu hóa, tiết giảm chi phí, 2 bộ sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn được giáo viên, học sinh cả nước sử dụng nhiều nhất do giá cả thấp nhất và chất lượng tốt nhất.

Với nhiều sản phẩm sách giáo dục (trong đó có một phần là sách giáo khoa) và các hoạt động sản xuất, kinh doanh đa dạng khác, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tự hào là một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã có những thành tựu đáng ghi nhận trong năm 2024, bảo toàn và phát triển tốt nguồn vốn nhà nước giao, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong việc phục vụ sự nghiệp giáo dục.

Khác với đơn vị tư nhân tham gia xuất bản sách giáo khoa, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam được nộp cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt, trong năm 2024, nỗ lực của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam trong việc tiết giảm chi phí, tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh để giảm giá đáng kể 2 bộ sách giáo khoa (dù giá đã thấp hơn nhiều so với bộ sách giáo khoa của đơn vị khác) đã được các cơ quan thẩm quyền ghi nhận, đánh giá cao vì đã góp phần vào việc ổn định chỉ số CPI.

Vì vậy, bài báo đưa ý kiến của Thanh tra Chính phủ cuối năm 2022 trong thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 là không phù hợp và có dụng ý dẫn dắt thông tin không đúng bản chất nội dung.

Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng thông tin thêm, trong liên tiếp 2 năm, báo điện tử VnExpress luôn chọn thời điểm “cao trào” của việc in ấn sách giáo khoa - khi tập thể Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang nỗ lực tập trung cho nhiệm vụ cung ứng sách đến giáo viên và học sinh - để đưa ra những thông tin xuyên tạc.

Cụ thể là thời điểm này, năm 2024, báo điện tử VnExpress cũng đưa ra những thông tin tương tự như bài viết trên với cách giật tít suy diễn và sai sự thật: “Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lãi một tỷ đồng một ngày”. Sau khi có ý kiến phản hồi, bài báo này mới đổi title.

Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam thông tin làm rõ những điểm sai sự thật cụ thể trong bài viết của VnExpress như sau:

Không có sự độc quyền sách giáo khoa từ phía Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Bài báo VnExpress cho rằng Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam “độc quyền xuất bản sách giáo khoa cho học sinh” là hoàn toàn không đúng sự thật. Kể từ năm 2017, chính sách của Nhà nước đã mở cửa cho phép nhiều nhà xuất bản tham gia vào lĩnh vực xuất bản sách giáo khoa. Đến nay, đã có 7 nhà xuất bản được cấp phép xuất bản sách giáo khoa và trên thực tế, nhiều nhà xuất bản và doanh nghiệp đã và đang xuất bản sách giáo khoa phục vụ Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Điều này cho thấy rõ thị trường sách giáo khoa đã có sự cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, không còn tình trạng độc quyền như bài báo đã cố tình.

Việc khẳng định Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam độc quyền xuất bản sách giáo khoa là hoàn toàn sai sự thật, đi ngược với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh thị trường sách giáo khoa hiện nay.

Giá sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn hợp lý và tuân thủ quy định

TCBC cho biết, bài viết đưa thông tin cũ (ý kiến của thanh tra Chính phủ từ cuối năm 2022) gắn vào kết quả hoạt động năm 2024 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để làm sai lệch bản chất nội dung, khiến dư luận hiểu sai rằng, những thành tích đạt được năm 2024 là do “Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, độc quyền để đăng ký giá sách giáo khoa cao bất hợp lý”.

Thực tế trong hai năm 2023 - 2024 vừa qua, giá sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn có mức giá thấp nhất so với các bộ sách giáo khoa của các nhà xuất bản khác lưu hành trên thị trường.

Đến năm 2025, giá sách giáo khoa đã được quy định chặt chẽ theo giá trần do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn nghiêm túc tuân thủ các quy định về giá, bảo đảm quyền lợi cho học sinh và phụ huynh trên cả nước. Việc đưa nhận định giá sách giáo khoa giai đoạn trước 2022 để mập mờ với giá sách hiện tại là hoàn toàn khập khiễng và không phản ánh đúng thực tế.

Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam hoạt động bình đẳng, không có lợi thế độc quyền

Thông tin ám chỉ Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có “lợi thế độc quyền” trong hoạt động sản xuất kinh doanh là hoàn toàn vô căn cứ. Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam giống như bất kỳ doanh nghiệp nào khác, hoạt động dựa trên nguyên tắc thị trường, phải tự chủ về tài chính. Để xuất bản sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đơn vị phải vay vốn từ ngân hàng để bảo đảm nguồn lực tài chính, đáp ứng tiến độ và chất lượng yêu cầu. Việc này chứng minh rằng Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam không được hưởng bất kỳ đặc quyền hay ưu đãi nào từ nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, luôn phải thực hiện nghiêm túc các quy định trong pháp luật về mua sắm, đấu thầu - vốn có những quy định đang được xác định là “điểm nghẽn” của thể chế cần được sửa đổi - dẫn đến những hạn chế, thiếu bình đẳng so với đơn vị tư nhân tham gia xuất bản sách giáo khoa.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ không liên quan đến kết quả kinh doanh năm 2024

Bài báo của VnExpress đã cố tình lập lờ, đánh đồng lợi nhuận của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam trong năm 2024 với kết luận của Thanh tra Chính phủ về hoạt động của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam ở giai đoạn trước. Điều này là hoàn toàn phi lý và không khách quan.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ là về những tồn tại, thiếu sót trong hoạt động của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam ở các năm trước, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã nghiêm túc tiếp thu, khắc phục những tồn tại đó.

Lợi nhuận của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam trong năm 2024 là kết quả của các hoạt động kinh doanh trong năm đó, không liên quan đến các vấn đề đã được Thanh tra Chính phủ kết luận trong quá khứ. Việc gán ghép này có chủ đích nhằm hạ thấp uy tín của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam một cách không chính đáng.

Lợi nhuận của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đến từ nhiều nguồn đa dạng

NXBGD cho rằng, bài báo đã cố tình gây hiểu lầm rằng lợi nhuận của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam chủ yếu đến từ sách giáo khoa.

Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam là một doanh nghiệp lớn với quy mô hoạt động đa dạng, với lợi nhuận đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: Lợi nhuận từ xuất bản sách bài tập, sách tham khảo; từ các hoạt động liên kết xuất bản; từ khai thác cơ sở vật chất; từ kết quả đầu tư tài chính…

Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam nhận thấy bài báo “Nhà xuất bản Giáo dục lãi kỷ lục” của Báo VnExpress đã đăng tải thông tin sai sự thật nghiêm trọng, có tính chất tấn công truyền thông, gây tổn hại trực tiếp và nặng nề đến thương hiệu, uy tín và quyền lợi hợp pháp của đơn vị. Những thông tin sai lệch này không chỉ gây hoang mang trong dư luận mà còn ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh, học sinh và các đối tác của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Đặc biệt, khi đưa số liệu và nội dung đánh giá về Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, phóng viên đã không liên hệ với Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam để được cung cấp thông tin chính xác theo quy định của pháp luật về báo chí.

Trong TCBC, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hoạt động minh bạch, tuân thủ pháp luật và nỗ lực hết mình vì sự nghiệp giáo dục của đất nước...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
NXB Giáo dục Việt Nam phản bác thông tin sai sự thật, vi phạm Luật Báo chí và quy ước về đạo đức nghề báo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.