(HNMO) - Mặc dù, công suất lắp đặt của toàn hệ thống điện là gần 70.000MW nhưng những ngày vừa qua, khi miền Bắc và Hà Nội công suất tiêu thụ điện liên tục lập mức đỉnh kỷ lục đã dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu điện. Nguyên nhân là nhiều nguồn điện chậm tiến độ, sự phát triển mất cân đối do tăng trưởng quá nhanh và quá nóng điện mặt trời (vượt quá yêu cầu mà Quy hoạch điện VII điều chỉnh đề ra) đã dẫn đến một số vấn đề bất cập về mặt kỹ thuật, ảnh hưởng đến hệ thống an ninh năng lượng quốc gia...
Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, diễn biến thời tiết nắng nóng cực đoan diện rộng ở miền Bắc và miền Trung từ ngày 16 đến 21-6 đã làm tiêu thụ điện của miền Bắc và toàn quốc không ngừng tăng lên.
Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, công suất tiêu thụ điện toàn quốc lần đầu tiên vượt 42.000MW và thiết lập mức đỉnh kỷ lục mới với con số là 42.146MW vào trưa 21-6-2021.
Bên cạnh đó, công suất tiêu thụ điện của riêng khu vực miền Bắc và riêng Hà Nội cũng đã lập mức đỉnh kỷ lục mới, với công suất đỉnh lần lượt là 18.700MW và 4.700MW. Như vậy, trong hơn 1 tháng qua, đã có 5 lần tiêu thụ điện lập kỷ lục mới, biên độ chưa từng có trong các mùa hè trước. Điều này dấy lên lo ngại nguy cơ thiếu điện...
Theo số liệu của Viện Năng lượng, đến hết năm 2020, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất lắp đặt nguồn khoảng 69.000MW. Trong đó, nhiệt điện than có khoảng 21.000MW; thủy điện khoảng 21.000MW; tuabin khí và nhiệt điện chạy dầu có khoảng 9.000MW, các nguồn điện năng lượng tái tạo là 17.430MW...
Trong các báo cáo về tình hình phát triển điện gió và vận hành hệ thống điện năm 2021, EVN cho biết, đến cuối năm 2021, tổng công suất điện gió có thể đưa vào vận hành thêm khoảng 5.400MW, điện mặt trời tập trung vận hành thêm khoảng 300MW, nhiệt điện than khoảng 3.000MW (Hải Dương 2 là 600MW, Sông Hậu 1 là 1.200MW, Duyên Hải 2 là 1.200MW).
Như vậy, tổng công suất đặt của hệ thống điện cuối năm 2021 vào khoảng gần 80.000MW và điện gió, điện mặt trời (bao gồm điện mặt trời áp mái) sẽ chiếm lần lượt khoảng 7% và 22% tổng công suất đặt của hệ thống.
Tuy nhiên, thực tế là, không phải mọi nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, được sử dụng hết. Đơn cử như ngày 31-5 vừa qua, khi tiêu thụ điện lập đỉnh ở mức công suất 41.549MW xảy ra lúc 22h, tức là gần nửa đêm thì không thể huy động được nguồn điện mặt trời. Như vậy, khi mặt trời tắt nắng và không có pin lưu trữ, thì công suất nguồn điện cả nước giảm mạnh, chỉ còn khoảng 53.000MW.
Trong khi đó, hiện nay đang là mùa khô, lượng nước cho thủy điện không thể bảo đảm đầy đủ hết công suất; nắng nóng cũng không thể giúp các nhà máy nhiệt điện phát đủ tải, nên nếu nắng nóng kéo dài và nhu cầu lớn sẽ gây khó khăn cho công tác bảo đảm điện.
Thông tin thêm về sự phát triển của năng lượng tái tạo, tại trao đổi báo chí mới đây, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, sự gia tăng của điện mặt trời và điện gió sẽ gia tăng hiện tượng nghẽn mạch, tiết giảm năng lượng tái tạo trên hệ thống điện. Cụ thể, các nguồn điện này phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có nhiều tiềm năng tại miền Trung như Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận...
Đơn cử như tỉnh Ninh Thuận, địa phương có tỷ lệ năng lượng tái tạo lớn nhất nước với hàng nghìn MW, nhưng nhu cầu sử dụng ở địa phương lại rất thấp và bắt buộc phải truyền lên đường dây 500kV để chuyển sang các địa phương khác.
Trong khi đó, nếu như xây dựng điện mặt trời chỉ khoảng 6 tháng thì việc đầu tư lưới điện truyền tải phải mất 2, 3 năm (lưới điện 220kV) và 5 năm (lưới điện 500kV). “Do đó, sự gia tăng đột biến của năng lượng tái tạo dẫn đến nhiều bất cập trong vận hành hệ thống điện”, ông Ninh nói thêm.
Nhiệt điện và thủy điện vẫn đang đảm đương việc bảo đảm nhu cầu tiêu thụ điện. Báo cáo cập nhật cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021-2025 của EVN cho thấy, nếu các nguồn điện có thể đưa vào vận hành với tiến độ như dự kiến, nguồn năng lượng tái tạo triển khai theo quy hoạch thì hệ thống có thể đáp ứng đủ cung ứng điện trong giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nguồn điện chậm tiến độ như Nhiệt điện Quảng Trạch 1 bắt đầu xây dựng, còn Nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn chưa thể phát điện; trong 3 năm tới, miền Bắc chỉ có thêm Nhiệt điện BOT Hải Dương đang hoàn tất đầu tư và Thủy điện Hòa Bình mở rộng thì vấn đề bảo đảm điện sẽ gặp nhiều thách thức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.