(HNM) - Nói đến hoa đào trong thơ Đường, nhiều người nhớ ngay đến bài “Đề tích sở kiến xứ” của Thôi Hộ:
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
Chỉ vỏn vẹn 4 câu, mỗi câu có 7 từ, tổng cộng có 28 từ mà bài thơ hàm chứa biết bao điều. Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt có niêm luật chỉnh, bằng trắc phân minh và niêm cấu chặt chẽ, tạo thành một thi phẩm hoàn hảo.
Về thể loại, đây là một bài thơ trữ tình, nhân một cảnh, một chuyện mà bộc lộ cái tôi trữ tình của nhà thơ. Vậy cảnh đó là cảnh gì và chuyện đó là chuyện gì?
Ta thấy rõ cảnh mùa xuân có hoa đào nở, bên cạnh cây đào là một người con gái có đôi má hồng. Nhưng nếu chỉ như vậy thôi thì chẳng có gì đáng nói. Điều đáng kể là ở bài thơ không tiền khoáng hậu của mình về hoa đào và người con gái, tác giả Thôi Hộ đã tập trung sự chú ý vào đôi má người đẹp cũng ửng hồng như màu bích đào vậy. Nhân diện đào hoa tương ánh hồng, không ít người cho rằng câu thơ ý chỉ màu hồng của hoa ánh vào cô gái, làm má thiếu nữ vốn đã hồng lại càng hồng thêm, đã đẹp càng đẹp thêm, đôi má hồng nói lên sức sống trẻ khỏe, vẻ đẹp tươi rói quyến rũ của cô gái dậy thì. Đúng, nhưng không chỉ có thế, bởi chính cái màu hồng từ má thiếu nữ phản chiếu vào hoa đào, làm cho sắc hồng của hoa lại càng hồng thêm, vẻ đẹp sang trọng mà tự nhiên. Sự hòa quyện đến lạ ấy đã làm nên vẻ kỳ diệu của thiên nhiên đất trời trong sự giao hòa với con người. Ta thấy rõ thiên nhiên ở đây là thiên nhiên con người và con người ở đây là con người thiên nhiên, tất cả được nhà thơ diễn tả trong một sự giao hòa tuyệt diệu.
Thế còn chuyện gì đã xảy ra ở đây? Chỉ có 28 từ mà Thôi Hộ đã kể trọn vẹn một câu chuyện. Chuyện rằng nhà thơ lãng tử, du khách tao nhân du xuân bỗng thấy một vườn hoa đào, bèn (mạnh dạn) bước qua cổng vào thì (vô cùng ngỡ ngàng) thấy khuôn mặt (cô gái) với đôi má hồng ánh lên do sự phản chiếu của (những bông) hoa đào. Hoặc ngược lại (thấy) hoa đào ánh lên màu hồng do đôi má của cô gái chiếu vào (Nhân diện hoa đào tương ánh hồng)... Và sắp xếp lại, ta có câu chuyện: Nhân một cuộc đi chơi xuân, trở lại vườn xưa vào đúng cái ngày mà năm ngoái chàng đến đó. Chàng (hồi hộp) bước qua cái cổng, vẫn là chiếc cổng năm ngoái (Khứ niên kim nhật khử môn trung) để tìm người xưa cảnh cũ. Nhưng (thật buồn vì) không thấy người đẹp với đôi má hồng, không biết khuôn mặt (người) ấy đã đi đâu (Nhân diện bất tri hà xứ khứ) mà chỉ thấy những bông hoa đào cười với gió đông, tức là gió từ phương đông thổi tới (Đào hoa y cựu tiếu đông phong). Thế là, chỉ với 4 câu trong bài thơ tuyệt tác của mình, Thôi Hộ đã vừa kể chuyện, vừa tả cảnh, tả người và cái chính là vừa nói lên cái tình của người đối với cảnh, tức là bộc lộ cái tôi của nhà thơ. Trong một thể loại trữ tình mà nhà thơ đã đem vào đó những yếu tố của thi pháp tự sự và hơn nữa là thi pháp kịch. Kịch ở đây là kịch của tâm trạng, tình cảm, tâm hồn của một thi nhân đi tìm vẻ đẹp thiên nhiên con người, con người thiên nhiên nhưng vẻ đẹp đó đã bị mất mát quá nửa khi mà hình bóng con người giữa cảnh vật đất trời đã biến đi, chỉ còn lại cảnh vật mà thôi. Như vậy, nhà thơ đã kết hợp một cách tài tình 3 thể loại: tự sự, trữ tình và kịch để làm nên một chỉnh thể thi ca với vẻ đẹp bất tử.
Và ta cũng hiểu vì sao thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã lấy cái cảnh, cái tình của “Đề tích sở kiến xứ” đem vào tình tiết Kim Trọng, sau khi đoạn tang thân nhân đã trở lại vườn Thúy để tìm Thúy Kiều nhưng chỉ thấy: Trước sau nào thấy bóng người/Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.