Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư nước ngoài vẫn khả quan

Anh Minh| 04/08/2014 06:03

(HNM) - Dường như thực tiễn đang chứng minh dự báo của một số chuyên gia rằng tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong năm nay sẽ vẫn khả quan so với năm ngoái… là hoàn toàn có lý.

Trong các tháng cuối quý I, đầu quý II-2014, kết quả thu hút vốn ĐTNN vẫn khiêm tốn, chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái và gây ra sự lo ngại nhất định về ĐTNN. Song, lượng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam đã từng bước chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần. Tính chung 7 tháng qua, cả nước thu hút 9,536 tỷ USD vốn ĐTNN, gồm cả vốn mới đăng ký và phần vốn tăng thêm của các dự án cũ; bằng 80,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, nguồn vốn đã được khơi thông khá mạnh và là dấu hiệu của sự chuyển dịch có tính bứt phá rõ rệt. Hơn thế, lượng vốn ĐTNN giải ngân trong 7 tháng đạt 6,8 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2013. Các doanh nghiệp (DN) ĐTNN cũng đã xuất siêu gần 9,8 tỷ USD giá trị hàng hóa và góp phần tạo ra vị thế xuất siêu của cả nước trong 7 tháng đầu năm. Điều đó thể hiện niềm tin và sự quyết tâm của giới đầu tư quốc tế trong quá trình đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.

Sản xuất thép tại Công ty Siam Steel Việt Nam. Ảnh: Huy Hùng


Mặt khác, uy tín của thị trường Việt Nam tiếp tục được cải thiện khiến cộng đồng DN ĐTNN quyết tâm thực hiện cam kết đầu tư hoặc sẵn sàng triển khai dự án mới. Hơn nữa, đối tác nước ngoài còn chủ động đề xuất mở rộng quan hệ theo hướng đối tác lâu dài, trong đó họ sẽ trợ giúp DN Việt cùng phát triển để trở thành vệ tinh và nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng cho DN ĐTNN. Điển hình là Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (Jetro) và Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TP Hồ Chí Minh vừa ký văn bản hợp tác, thiết lập diễn đàn công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản. Đại diện Jetro cho biết, diễn đàn này sẽ thúc đẩy các đơn vị hai bên triển khai áp dụng công nghệ tiên tiến, bám sát nhu cầu và xu hướng sản xuất của thế giới, cũng là nơi trao đổi kinh nghiệm khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và thực hiện chuyển giao công nghệ từ DN Nhật Bản cho đối tác Việt Nam…

Đặc biệt là, sau một thời gian hoạt động, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã và đang thực hiện kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Đơn cử như Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), đến cuối năm 2013, tổng số vốn Samsung đã đầu tư ở Việt Nam lên tới gần 6 tỷ USD thông qua các dự án đặt tại tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên. Samsung đang có kế hoạch tham gia đầu tư vào một loạt dự án quy mô lớn ở Việt Nam, như: Sân bay Long Thành, dự án lọc hóa dầu Long Sơn và bệnh viện tại Hà Nội… Dự kiến, trong vài năm tới, tổng vốn Samsung đầu tư vào Việt Nam sẽ đạt khoảng 13 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Tập đoàn LG (Hàn Quốc) cũng quyết định đầu tư 1,5 tỷ USD vào KCN Tràng Duệ (Hải Phòng) để sản xuất, lắp ráp sản phẩm điện và điện tử công nghệ, ti vi, máy hút bụi… giải quyết được việc làm cho khoảng 20.000 lao động trên địa bàn. AEON - Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản vừa làm việc với một số cơ quan chức năng Việt Nam để tìm cơ hội mở rộng đầu tư trong thời gian tới. Ngoài ra, một số nhà đầu tư Singapore và Thái Lan cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư với Việt Nam, hướng tới việc đưa Việt Nam trở thành nơi sản xuất sản phẩm điện tử, hàng gia dụng và điện thoại nổi tiếng của khu vực…

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang thể hiện những lợi thế cạnh tranh, có sức hấp dẫn như tình hình chính trị ổn định, môi trường đầu tư - kinh doanh được liên tục cải thiện và hình ảnh đất nước cũng ngày càng "sáng" hơn trong mắt giới ĐTNN.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư nước ngoài vẫn khả quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.