(HNM) - Bước vào quý IV đã có thể khẳng định năm 2018 sẽ đi qua với nhiều kết quả rất đáng ghi nhận về phát triển kinh tế, trong đó nổi bật nhất là hoạt động thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài.
Dự báo năm 2018, nền kinh tế nước ta sẽ gặt hái nhiều thành công về nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Bá Hoạt |
Tiếp đà tăng trưởng
Theo Tổng cục Thống kê, cả nước đã thu hút gần 28 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong 10 tháng qua. Đây là thực tế rất tích cực, thể hiện rõ sức hút và sức cạnh tranh của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế. Kết quả này đã vượt tổng mức vốn đạt được trong cả năm của các năm tính từ năm 2016 trở về trước. Cùng thời gian trên, các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân 15,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, Việt Nam luôn chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút vốn đầu tư nước ngoài; coi đó là bộ phận cấu thành của nền kinh tế, là động lực, kênh cấp vốn quan trọng phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, gắn liền với mục tiêu chủ động hội nhập quốc tế. Cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng thể hiện rõ tầm quan trọng, đóng góp vào nền kinh tế một cách thiết thực, gồm tạo việc làm, thu nhập cho nhân công, nguồn thu cho ngân sách...
Theo ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, thì Việt Nam hiện là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư quốc tế, vì vậy cần tìm cách duy trì, gia tăng sức hấp dẫn, đáp ứng yêu cầu của giới đầu tư trong tương lai. Việt Nam cần chủ động tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam chủ trương tiếp tục mở cửa, "gọi" vốn nước ngoài, nhưng với cách làm mới là tập trung các dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường cũng như nhấn mạnh yêu cầu chất lượng mà không “chạy” theo số lượng thuần túy. Như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây, Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi và đón nhà đầu tư, nhưng kiên quyết giữ quan điểm tự chủ, có chọn lọc của nước chủ nhà...
Lợi thế vượt trội
Trong dịp kỷ niệm 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài vừa qua tại Hà Nội, cộng đồng nhà đầu tư quốc tế đã đánh giá điều kiện, môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam ngày càng cải thiện, bám sát và hài hòa với thông lệ, cam kết quốc tế. Việt Nam có thị trường rộng lớn, ở vị trí địa lý thuận tiện cho giao thương khi tiếp giáp trực tiếp với khoảng cách gần với các thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đặc biệt, hai yếu tố mới, đầy hấp dẫn khiến Việt Nam trở nên có lợi thế vượt trội để thu hút đầu tư nước ngoài trong tương lai gần là việc Việt Nam cùng các đối tác có tiềm lực hàng đầu thế giới đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có khả năng được ký kết trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, từ góc độ địa phương cũng đang thể hiện khả năng xuất hiện thêm một số dự án quy mô khá lớn trong tương lai gần. Đơn cử, Hà Nội vừa ký 3 văn bản ghi nhớ về hợp tác với đối tác Nhật Bản, gồm dự án đầu tư trung tâm thương mại Aeonmall tại quận Hoàng Mai và quận Bắc Từ Liêm, với số vốn dự kiến 500 triệu USD; dự án mở rộng đầu tư của Công ty Meiko Electronics hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bản mạch in điện tử và lắp ráp linh kiện điện tử, với khả năng tăng vốn thêm 200 triệu USD tại cơ sở sản xuất ở Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai.
Đặc biệt, ngay đầu tháng 10 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Jlayun International Group Limited (Hongkong - Trung Quốc) về việc nghiên cứu khả năng đầu tư vào 3 lĩnh vực là xây dựng công viên phần mềm; phát triển hệ thống thương mại điện tử và logistic; xây dựng tổ hợp văn phòng, khách sạn... với tổng quy mô đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD.
Như vậy, nguồn ngoại lực nói trên là khá lớn và khi được hiện thực hóa sẽ kịp thời bổ sung nguồn lực để tạo ra tăng trưởng kinh tế Thủ đô. Xét về tổng thể, trong 10 tháng qua, Hà Nội vươn lên dẫn đầu cả nước về kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thông qua tổng vốn đăng ký lên tới 6,3 tỷ USD, tức tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Bình Dương - một điểm sáng khác về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, để có thêm nguồn lực phục vụ mục tiêu đầu tư phát triển, tăng tốc độ tăng trưởng và quy mô kinh tế trên địa bàn, tỉnh Bình Dương chủ trương tạo sức hút từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài thông qua thúc đẩy cải cách hành chính, hỗ trợ và đồng hành cùng nhà đầu tư.
Nhờ vậy, Bình Dương hiện có hơn 3 nghìn dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, tạo ra hàng vạn việc làm, thu nhập ổn định và nguồn thu ngân sách... Tỉnh đang nghiên cứu để áp dụng những kinh nghiệm và mô hình phù hợp trong thời gian tới.
Hiện, đã có dự báo cho rằng, kết quả thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể đạt tới 30 tỷ USD vốn đăng ký, thậm chí còn cao hơn khi kết thúc năm 2018 - tức là xác lập một lỷ lục mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.