Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư hạ tầng và phương tiện xe buýt: Bao giờ thành hiện thực?

Hà Tuấn| 17/04/2013 07:32

(HNM) - Cách đây hơn 2 năm, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã đưa ra đề án đầu tư đổi mới, thay thế 1.680 xe buýt cũ trên địa bàn và đã được duyệt, cho phép làm chủ đầu tư.


Trên các tuyến đường TP Hồ Chí Minh, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc xe buýt kềnh càng với lớp sơn bong tróc từng mảng, thân xe méo mó, ghế nệm rách nát, xả khói mù mịt. Điều đáng nói, các xe này vẫn đang hoạt động nghênh ngang trên đường, còn hành khách ngày càng xa dần với loại hình này dù TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh việc vận động CBCNV đi xe buýt, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2015 vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại.

Thực ra, ngay đầu năm 2011, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã lập đề án đầu tư mới 1.680 xe buýt với các tiêu chuẩn về khí thải hiện đại. Trong đó, dự kiến có hơn 300 xe buýt sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường (CNG). Thành phố đã duyệt phương án trên và cho phép Sở GTVT làm chủ đầu tư, triển khai trong giai đoạn 2011-2015. Theo đề án này, các đơn vị vận tải sẽ đầu tư toàn bộ số xe buýt trên với giá trị lên tới khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong đó, các đơn vị vận tải phải trả trước 30% trị giá xe, 70% còn lại được vay ngân hàng và được hỗ trợ một phần lãi vay (ước khoảng 700 tỷ đồng) và khoản tiền này sẽ được chi trả dần trong 7 năm.

Dù được hỗ trợ không hề nhỏ nhưng đến nay, đề án trên vẫn "nằm trên giấy" trong khi số lượng xe buýt trên ngày càng xuống cấp. Nguyên nhân do nhiều sở, ngành liên quan chậm chạp, chưa thống nhất trong việc góp ý với đề án. Trước thực trạng này, ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành VTHKCC TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua UBND TP đã yêu cầu Sở GTVT nghiên cứu và hoàn chỉnh lại đề án trên, dẫn tới kế hoạch đổi mới và thay thế xe buýt khó có thể thực hiện đúng thời hạn năm 2015.

Không chỉ vậy, tình trạng bến bãi phù hợp với xe buýt còn bê bết hơn. Hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 20 bến bãi dành cho xe buýt, rộng gần 16ha, không đủ đáp ứng cho trên 3.200 xe chạy trên 600 tuyến. Bến bãi khan hiếm dần là nguyên nhân dẫn tới nhiều công viên trên địa bàn cũng được tận dụng tối đa, khiến nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân bị thu hẹp dần. Hệ thống cây xanh được ví như "lá phổi" cho thành phố cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đơn cử, tại Công viên 23-9 (quận 1), vài năm trở lại đây, gần 1/2 diện tích công viên nghiễm nhiên biến thành bãi xe buýt. Nhiều xe buýt còn đậu nhờ ở các khu công nghiệp, khu du lịch hay tận dụng bất cứ khoảng đất trống nào thuộc khu đất dành cho giao thông vận tải.

Trong khi đó, từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 101/QĐ-TTg quy định rõ diện tích đất dành cho 30 bến bãi VTHKCC trên địa bàn thành phố là 1.146ha. Tuy nhiên, đến nay thành phố mới sắp xếp chưa tới 30ha diện tích đất. Lý do mà cơ quan chức năng đưa ra là thiếu mặt bằng xây dựng cũng như quá trình đầu tư và tiến hành các thủ tục liên quan với các địa phương liên quan đang bị vướng. Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho hay, khó khăn nhất vẫn là các cơ chế thu hút đầu tư xây dựng bến bãi chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư, khiến cho kế hoạch đầu tư bến bãi xe buýt không diễn ra suôn sẻ như dự kiến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư hạ tầng và phương tiện xe buýt: Bao giờ thành hiện thực?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.