(HNM) - Giáo dục, y tế và văn hóa là những lĩnh vực thiết yếu, quan trọng, là "trụ cột" phục vụ nhu cầu cuộc sống hằng ngày của mỗi người dân. Với những thành phố tập trung đông dân cư như Hà Nội, việc quan tâm đầu tư cho các lĩnh vực này vừa góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững, vừa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội trong bối cảnh chịu nhiều tác động của dịch Covid-19.
Thực tế cho thấy, thời gian qua Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách dành cho các lĩnh vực này, đến nay đã và đang thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, nhiều dự án đã đi vào khai thác có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội, cải thiện chất lượng sống của người dân.
Thành phố phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng được 2.400 trường công lập (hiện là 1.696 trường) nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng lớn của học sinh Thủ đô. Trong khi đó, hệ thống y tế cơ sở không ngừng được đầu tư nâng cấp với 100% trạm y tế của các phường, xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn quốc gia, qua đó góp phần không nhỏ trong việc khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân Thủ đô. Bên cạnh đó, các cơ sở văn hóa, hệ thống di tích cũng thường xuyên được thành phố quan tâm đầu tư để bảo tồn, tôn tạo.
Tuy vậy, tốc độ đô thị hóa cao kéo theo nhiều hệ lụy, đặt ra những thách thức cho Hà Nội, nhất là yêu cầu cấp thiết phải đầu tư cơ sở vật chất cho các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa. Với những mục tiêu cụ thể, Hà Nội xác định đầu tư mạnh vào 3 lĩnh vực: Nâng cấp hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; phát triển giáo dục - đào tạo; tập trung phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di tích...
Thành phố đang triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia, cải tạo hệ thống y tế và tôn tạo di tích lịch sử văn hóa giai đoạn 2022-2025 nhằm giải quyết căn bản những bất cập trong thực tế. Trong đó, dự kiến thành phố sẽ xem xét, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 hơn 13.000 tỷ đồng để xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đầu tư hệ thống hạ tầng y tế và tu bổ, tôn tạo di tích.
Nhưng để đạt được các mục tiêu, đòi hỏi các sở, ngành, đơn vị, địa phương phải đánh giá đúng thực trạng, tìm ra giải pháp hiệu quả khi triển khai dự án mới; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, y tế, văn hóa gắn liền với đổi mới cơ chế, chính sách quản lý, tạo hành lang, không gian xã hội, luật pháp lành mạnh để phát triển các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa. Ngoài ra, tập trung cho các mục tiêu ưu tiên, các chương trình trọng điểm; hỗ trợ các vùng sâu, vùng xa, ưu tiên các đối tượng chính sách, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Tất nhiên, trong nỗ lực này, chắc chắn không thể thiếu sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân để chia sẻ gánh nặng với nguồn đầu tư từ ngân sách, cũng như góp phần thỏa mãn nhu cầu đa dạng, phong phú và ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân.
Giáo dục, y tế và văn hóa vốn là nền tảng quan trọng của tiến trình phát triển, nên luôn nhận được sự quan tâm của mọi người, mọi gia đình và xã hội. Việc quan tâm đầu tư không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn có ý nghĩa lâu dài, tạo đà để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, đồng bộ, ngày càng văn minh, hiện đại; góp phần nâng cao chất lượng sống của nhân dân Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.