Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đâu phải chuyện riêng

Nữ Quỳnh| 25/01/2010 06:06

(HNM) - Cuối tuần rồi, EVN lại có báo cáo và gửi một số kiến nghị lên Bộ Thông tin - Truyền thông về vấn đề treo cáp viễn thông trên cột điện và dự kiến trong tuần này, ba bộ Thông tin - Truyền thông, Công thương và Tài chính sẽ họp bàn, xem xét cơ chế dùng chung cột điện như thế nào, hoặc nếu không dùng chung thì phải có phương án cấp phép để xây dựng cột treo cáp viễn thông...


Vậy là cuộc chiến căng thẳng giữa hai tập đoàn kinh tế hàng đầu là điện lực và viễn thông quanh chuyện quản lý và sử dụng cái cột điện diễn ra hằng năm qua đến lúc này vẫn còn chưa thấy hồi kết. Dĩ nhiên, câu chuyện rồi cũng có ngày kết thúc, giống như việc khúc mắc giữa VNPT và Viettel mấy năm trước, có điều chuyện tưởng như đơn giản đã trở thành việc lớn. Từ "câu chuyện riêng" ban đầu, nay sự việc đã trở thành nỗi bức xúc chung của dư luận liên quan đến các vấn đề xã hội khác.

Sau nhiều lần thương lượng bất thành về giá thuê, hiện Viettel đã triển khai lắp cột riêng, VNPT cũng đang rậm rịch tính đến phương án này, còn dư luận bắt đầu lo ngại về việc "tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa". Hiện EVN có gần một triệu cột điện có treo cáp thông tin trên cả nước. Nếu các đơn vị viễn thông "ra riêng" thì cũng khoảng ngần ấy cột nữa mọc lên. Ở các thành phố lớn, như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, nhiều năm qua dân tình đã quá bức xúc về những loại "rác trời", mạng nhện trên các ngõ phố vừa gây xấu cảnh quan, vừa rất nguy hiểm. Giờ thêm hàng ngàn, hàng triệu cây cột nữa. Đường phố vốn chật hẹp sẽ càng vướng víu, thêm nhiều "rác trời", mỹ quan đô thị sẽ bị phá vỡ nghiêm trọng.

Về phía người tiêu dùng: Nếu không thỏa hiệp được giá thuê cột, thì ở cả hai trường hợp là nếu EVN cắt bỏ những loại cáp không phải của điện lực, hoặc các đơn vị viễn thông, truyền hình lập hệ thống cột riêng cũng đều ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người tiêu dùng, cả về kinh tế lẫn chất lượng dịch vụ.

Về mặt quản lý vĩ mô: Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường. Luật Doanh nghiệp và Luật Cạnh tranh đều xác định việc Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của các loại hình doanh nghiệp, bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế. Chúng ta cũng đang phải đối mặt với những vụ việc tranh tụng quốc tế về chống bán phá giá, có liên quan trực tiếp đến khái niệm kinh tế thị trường. Vậy có nên nhìn nhận vấn đề này ngay với các doanh nghiệp trong nước. Một khi xem EVN là chủ sở hữu duy nhất với các cột điện thì có thể áp dụng các quy định về việc lạm dụng vị trí độc quyền để xử lý.

Những yếu tố trên cho thấy câu chuyện đã không còn là việc riêng của các doanh nghiệp, mà nó liên quan trực tiếp đến các vấn đề an ninh, xã hội khác. Đã có quan điểm cho rằng, các doanh nghiệp này phải tự giải quyết, tự thương lượng. Nhưng chắc vụ việc không đơn giản như vậy. Trên thực tế cả EVN và các doanh nghiệp viễn thông đều là doanh nghiệp Nhà nước, có trách nhiệm lớn về an ninh chính trị và an ninh xã hội. Không thể tùy tiện thích làm thế nào thì làm mà cần tính toán đến các lợi ích chung của cộng đồng. Tranh chấp cần sớm được chấm dứt bằng việc cơ quan quản lý nhà nước đứng ra làm trọng tài, quyết đoán nhằm tháo gỡ những vấn đề bất hợp lý, chứ không thể cứ mãi dùng dằng như những gì đã diễn ra trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đâu phải chuyện riêng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.