Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu mốc quan trọng của ASEAN

Quỳnh Dương| 07/08/2017 10:36

(HNMO) - Ngày mai, 8-8-2017, là dấu mốc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển.


Nhìn lại nửa thế kỷ qua, ASEAN đã thành công trong việc tạo dựng một môi trường ổn định để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng mô hình đối thoại, củng cố lòng tin giữa các nước trong khu vực cũng như giữa thành viên với các đối tác ngoài khu vực. Với việc đề cao nguyên tắc an ninh tập thể, ASEAN đã nâng hợp tác khu vực trong ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống, bao gồm tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, quản lý thiên tai, ma túy, dịch bệnh…

Về kinh tế, ASEAN đã triển khai nhiều sáng kiến cụ thể ở cấp quốc gia và khu vực, từ việc xóa bỏ thuế nhập khẩu nội khối, dần mở cửa ngành dịch vụ đến đơn giản hóa các tiến trình thương mại xuyên biên giới, bao gồm các thủ tục hải quan và xuất xứ nguồn gốc, hài hòa các tiêu chuẩn kỹ thuật và các thỏa thuận công nhận lẫn nhau. Môi trường đầu tư và kinh doanh trong khu vực ASEAN tiếp tục được thúc đẩy thông qua việc áp dụng các khuôn khổ chung, các sáng kiến thúc đẩy sáng tạo, và hợp tác chung trong các lĩnh vực như chính sách cạnh tranh, luật sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng. Sự phát triển của các chuỗi giá trị toàn cầu đã góp phần hỗ trợ thông qua việc tăng cường kết nối, cải thiện giao thông vận tải và xây dựng các mạng lưới cơ sở hạ tầng khác.

Đặc biệt, sự kiện Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột chính: Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) thành lập ngày 31-12-2015 được xem là bước đột phá, đánh dấu sự lớn mạnh của ASEAN, đồng thời giúp nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức khu vực gồm 10 thành viên này trên trường quốc tế.

Sau 5 thập kỷ phát triển, tương lai phía trước của ASEAN vẫn đang rộng mở, hứa hẹn nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức với các nước trong khối.

Thứ nhất, các quốc gia thành viên gần gũi về địa lý nhưng đa dạng về thể chế chính trị, pháp luật, tôn giáo, sắc tộc, văn hóa, ngôn ngữ, trình độ phát triển… dẫn tới những khác biệt về nhận thức và ứng xử. Điều này khiến việc gắn kết và đồng nhất chính sách an ninh - chính trị, chính sách kinh tế và xã hội của các nước không dễ dàng. Các chuẩn mực chưa vững chắc, thiếu sức mạnh nội lực khiến nội bộ ASEAN dễ bị phân hóa, phần nào thách thức vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực.

Thứ hai, các lợi ích đan xen có thể là yếu tố tích cực khi các bên muốn hướng tới mục tiêu chung, song cũng là trở lực không nhỏ ngăn cản các nước ASEAN tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề quan trọng.

Trong khi đó, việc các nước lớn đang không ngừng tăng cường sự hiện diện, tranh giành lợi ích, ảnh hưởng chiến lược của mình ở khu vực Đông Nam Á cũng tác động đáng kể tới các khía cạnh an ninh chính trị, kinh tế và xã hội của ASEAN. Bên cạnh đó, tình trạng tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp. Hiểm họa khủng bố và cực đoan, vốn đã đe dọa khu vực nhiều năm qua, nay trở thành thách thức nghiêm trọng nhất của ASEAN khi khu vực này đứng trước nguy cơ trở thành địa bàn hoạt động mới của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Điều này tạo ra nguy cơ nghiêm trọng đe dọa lợi ích và an ninh quốc gia của mỗi nước cũng như sự ổn định của khu vực Đông Nam Á.

Tình hình khu vực ngày càng có những diễn biến phức tạp, khó lường, tạo ra nhiều thách thức “xuyên biên giới” không dễ đối phó đối với ASEAN. Dù đã đưa ra chương trình hành động chung đến năm 2025, song hiệp hội 50 tuổi này cần nhiều nỗ lực hơn nữa để trở thành nơi các thành viên thể hiện trách nhiệm tập thể, nâng cao tính tự cường, vượt qua những rào cản cho sự phát triển và thịnh vượng.

Đúng như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nói: "Để có thể tận dụng các cơ hội, ứng phó kịp thời các thách thức, xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN, tất cả các nước thành viên cần có cam kết chính trị mạnh mẽ hơn nữa, đề cao đoàn kết và liên kết nội khối, triển khai nghiêm túc các chương trình và kế hoạch đặt ra một cách hiệu quả, tôn trọng các nguyên tắc, chuẩn mực chung cũng như xử lý hài hòa giữa lợi ích quốc gia và khu vực. Và quan trọng hơn, các thành viên cần tăng cường học hỏi và hỗ trợ lẫn nhau, tận dụng những thành tựu và kinh nghiệm tốt từ những người anh em để góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển, thu ngắn quãng đường đi đến đích, để thực sự cùng vững vàng tiến bước, thực sự phát huy ý nghĩa của hai chữ “cộng đồng”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dấu mốc quan trọng của ASEAN

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.