Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đấu giá quyền sử dụng đất: Cần giải pháp cụ thể và sự quyết liệt

Khánh Khoa| 24/09/2015 06:51

(HNM) - Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội, tính đến hết tháng 8, toàn thành phố đã thực hiện 65% kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất, thu cho ngân sách hơn 1.722 tỷ đồng.



Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quận, huyện chưa tổ chức đấu giá mặc dù quỹ đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đánh giá, kết quả trên cho thấy việc đấu giá có chuyển biến tích cực, nhưng chưa có sự đồng đều giữa các địa phương.

Nếu các quận, huyện Đông Anh, Gia Lâm, Cầu Giấy, Thanh Trì, Long Biên, Sóc Sơn, Hoàng Mai... còn khoảng 31 dự án đã có hạ tầng kỹ thuật (tổng diện tích 44ha) nhưng chưa tổ chức đấu giá, thì nhiều địa phương khác lại không có vốn để hoàn thành giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án đấu giá quyền sử dụng đất theo tiến độ được duyệt. Nhiều dự án đấu giá quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở đã thực hiện nhưng hộ gia đình, cá nhân trúng đấu giá không xây dựng đồng bộ theo quy hoạch, dẫn đến để trống đất lãng phí và làm mất mỹ quan đô thị.

Một phiên đấu giá đất tại quận Hà Đông.


Đối với quỹ đất công ích, đất bãi bồi ven sông, theo quy định phải do tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện. Nhưng, có thực tế là quỹ đất này có thời hạn sử dụng ngắn, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, mức giá làm căn cứ đấu giá là giá đất nông nghiệp nên nguồn thu rất thấp, thậm chí không đủ chi phí thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp. "Sở TN-MT Hà Nội đã có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ Tư pháp, thống nhất với Hà Nội về việc thành lập hội đồng đấu giá cấp xã với quỹ đất này" - Phó Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Tại cuộc giao ban trực tuyến về công tác đấu giá quyền sử dụng đất giữa UBND thành phố với các quận, huyện mới đây, nhiều địa phương chia sẻ, theo quy định của Luật Đất đai, việc đấu giá quyền sử dụng đất do Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện. Tháng 8-2015, UBND thành phố đã có quyết định thành lập trung tâm trực thuộc Sở TN-MT trên cơ sở hợp nhất các trung tâm hiện có trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, nhiều dự án trước đó đã được UBND thành phố giao cho UBND quận, huyện làm chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật để tổ chức đấu giá nên trong giai đoạn chuyển tiếp, đề nghị thành phố để các quận, huyện tiếp tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, thị trường bất động sản những năm gần đây "đóng băng" đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc tổ chức đấu giá. Những thửa đất thuộc loại "vùng sâu, vùng xa" không có người tham gia. Thửa đất đã đấu giá xong, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá chần chừ nộp tiền, đưa đất vào sử dụng, đợi thị trường "sôi động" trở lại.

Giải đáp phản ánh của địa phương, Phó Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Văn Hùng cho biết, Sở đã kiến nghị UBND thành phố cho phép các quận, huyện tiếp tục tổ chức đấu giá đất đối với những dự án đã được giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Song ngược lại, đề nghị các quận, huyện lập ngay phương án đấu giá đối với 31 dự án đã có hạ tầng, báo cáo Sở để sớm trình UBND thành phố phê duyệt. Cùng với đó, khẩn trương tổ chức đấu giá, bảo đảm thời gian quy định với 15,7ha đất đã được UBND thành phố phê duyệt phương án. Đồng thời, đôn đốc người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đưa vào khai thác đúng quy hoạch, hoàn tất nghĩa vụ tài chính. Trường hợp nhà đầu tư vi phạm phương án đấu giá và quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá, đề nghị hoàn thiện hồ sơ hủy kết quả, tổ chức đấu giá lại.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất 8 tháng đầu năm cho thấy đã có những chuyển biến tích cực so với thời gian trước. Tuy nhiên, ông Khanh đánh giá, giữa các địa phương chưa có sự đồng đều. Quận, huyện tích cực, quyết liệt vào cuộc thì kết quả tốt, ngược lại nhiều quận, huyện vẫn chậm trễ đưa dự án ra đấu giá mặc dù đã xong hạ tầng kỹ thuật. Vì vậy, muốn đạt kế hoạch, những tháng còn lại, địa phương phải có giải pháp cụ thể và phải quyết liệt nhiều hơn.

Tháo gỡ vướng mắc cụ thể, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh giao Sở TN-MT chủ trì cùng Sở Tư pháp rà lại những đơn vị đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn, chọn đơn vị đã thực hiện thành công các dự án đấu giá quyền sử dụng đất để phối hợp giao nhiệm vụ. Liên quan đến xác định giá khởi điểm, Sở TN-MT cùng Sở Tài chính đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian, lựa chọn đơn vị tư vấn định giá có chất lượng, chuyên nghiệp để bảo đảm khi xây dựng giá khởi điểm phải khả thi, đấu giá thành công. Những tổ chức, cá nhân trúng đấu giá mà chậm triển khai, để đất trống quá 12 tháng, ngành chức năng nhắc nhở, kiểm tra, nếu tiếp tục vi phạm, thu hồi quyền sử dụng đất theo quy định.

Hết tháng 8, đã có 17 đơn vị tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, với diện tích hơn 13ha, số tiền trúng đấu giá là 1.722 tỷ đồng, bằng 65% kế hoạch. Trong đó, có 12 dự án đấu giá quỹ đất do thành phố quản lý. Trong khi đó, có 12 quận, huyện , thị xã tổ chức đấu giá quỹ đất do cấp quận, huyện quản lý (diện tích dưới 5.000m2). Ngoài ra, UBND thành phố đã phê duyệt 15 phương án đấu giá quyền sử dụng đất, với diện tích 15,7ha, chuẩn bị tổ chức đấu giá trong thời gian tới.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đấu giá quyền sử dụng đất: Cần giải pháp cụ thể và sự quyết liệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.