(HNM) - Ngày 20-10, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) đã bắt quả tang cơ sở chế biến ruốc không có giấy phép nằm sâu trong đường Sư đoàn 9 (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Tại đây, đoàn kiểm tra ghi nhận cơ sở sản xuất thực phẩm trong điều kiện hết sức mất vệ sinh
Ngoài ra, công nhân không có bảo hộ lao động, dụng cụ dơ bẩn... Toàn bộ tang vật gồm gần 750kg ruốc và 12kg đường hóa học do Trung Quốc sản xuất, không có chứng từ chứng minh nguồn gốc được tổ chức tiêu hủy. Chủ cơ sở đã bị xử phạt hành chính do không có đăng ký kinh doanh, nguyên liệu không có giấy chứng nhận kiểm dịch, cơ sở sản xuất không bảo đảm vệ sinh.
Dẫn ra vụ việc này chỉ để cho có... tính thời sự (diễn ra trong ngày 20-10). Trên thực tế, đến nay chưa hề có một thống kê thực sự đầy đủ, chính xác về số vụ vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những thống kê hằng năm được đưa ra, những vụ việc bị "điểm mặt, chỉ tên" mới là "phần nổi của tảng băng". Nguy cơ trước mắt đối với sức khỏe từ những sản phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh, bên cạnh những yếu tố khác như môi trường, là không thể lường hết. Đặc biệt đáng cảnh báo ở chỗ, những nguy cơ này không chỉ có yếu tố cấp tính mà còn để lại di hại lâu dài, thậm chí đối với nhiều thế hệ. Nói cách khác, nó ảnh hưởng một cách tiêu cực đối với chất lượng giống nòi.
Không chỉ vi phạm pháp luật, "kiểu" sản xuất như nêu ở trên còn cho thấy lối làm ăn, là tư duy, nếp nghĩ phi nhân tính, vô đạo đức. Đau xót ở chỗ, đây chính là một hình thức chúng ta "tự đầu độc" (chúng ta).
2. Thực phẩm nhập khẩu quá hạn, không bảo đảm các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm - tuyệt đại đa số có nguồn gốc, xuất xứ Trung Quốc - từ lâu đã được gióng lên những hồi chuông cảnh báo. Chưa bao giờ thực phẩm nhập khẩu lại mang nhiều yếu tố nguy cơ như bây giờ. Nói "thực phẩm" thuần túy có yếu tố "định danh" bởi lẽ chủng loại mặt hàng hết sức đa dạng, từ hoa quả đến các loại thịt gia súc, gia cầm... Kết quả rất nhiều cuộc kiểm tra, khảo sát cho thấy nhiều loại hoa quả, thịt gia súc gia cầm bệnh, chứa tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng cho phép (nhập khẩu)... hoành hành thị trường trong nước. Điều nguy hiểm ở chỗ những mặt hàng này không chỉ "vượt qua" hàng loạt cơ cấu kiểm tra, kiểm soát mà còn rất khó nhận biết (đối với người tiêu dùng).
Nói không quá, trong khi chính người sản xuất trong nước "tự đầu độc" người tiêu dùng trong nước thì một hiểm họa khác nóng không kém là người tiêu dùng trong nước "bị đầu độc".
Điều gì sẽ xảy ra đối với sức khỏe người dân trong ngắn hạn? Điều gì sẽ xảy ra đối với chất lượng giống nòi? Hậu quả đã và đang hiện hữu khi thống kê cho thấy số trường hợp bị bệnh ác tính cả nước mỗi ngày một tăng lên.
3. Có một mẫu số chung trong cả hai trường hợp "tự đầu độc" và "bị đầu độc": Đấy là quan điểm, tư duy, nếp nghĩ coi lợi nhuận trên hết, bất chấp sức khỏe, sinh mạng người tiêu dùng, bất chấp tương lai nòi giống. Trường hợp thứ nhất, sự bất chấp xảy ra ở người sản xuất; trường hợp thứ hai, sự bất chấp này xảy ra ở người phân phối. Chỉ có điều, bệnh tật không trừ ai, kể cả những người sản xuất hàng hóa một cách vô đạo đức để kiếm lời lẫn những kẻ phân phối, buôn bán thực phẩm "bẩn".
Trong khi các cơ cấu kiểm tra, kiểm soát thực phẩm còn nhiều kẽ hở, nếu như không muốn nói là còn kém hiệu quả, nên chăng trong việc tuyên truyền, cần đánh mạnh vào chính lương tri của những kẻ đang từng ngày gieo rắc nguy hại đối với chất lượng giống nòi? Bởi lẽ rất nhiều người trong số đó có tâm lý... "mình biết để chừa ra" hoặc bất đắc dĩ chạy theo lợi nhuận ngắn hạn. Ở khía cạnh khác, rất cần những biện pháp thực sự mạnh mẽ, chẳng hạn đối với trường hợp sản xuất ruốc bẩn đề cập đầu bài viết, phải xem đây là tội ác và có biện pháp xử lý thích đáng. Nếu cần thiết, phải sửa đổi luật để có chế tài nghiêm khắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.