Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu ấn trong hành trình đổi mới

Đình Hiệp| 19/07/2013 05:32

(HNM) - Tổng thống Myanmar U Thein Sein vừa kết thúc chuyến công du tới hai quốc gia quan trọng trong Liên minh Châu Âu (EU) là Anh và Pháp.

Tiếp nối những kết quả gặt hái trong chuyến công du 5 quốc gia EU cuối tháng 2 vừa qua, sự trở lại EU lần thứ hai với hai điểm đến mới lần đầu tiên của nhà lãnh đạo xứ Ngọc bích kể từ khi lên nắm quyền năm 2011 cho thấy, mối quan hệ giữa Myanmar và phương Tây ngày càng được cải thiện rõ rệt. Dù không công bố chi tiết, nhưng những thỏa thuận hợp tác đạt được lần này đặt dấu mốc cho những bước tiến mới trong quan hệ giữa điểm sáng kinh tế tiềm năng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với hai cường quốc kinh tế lớn hàng đầu trong EU.

Tổng thống Pháp Francois Hollande (trái) và Tổng thống U Thein Sein trước khi hội đàm tại điện Elysee.



Chuyến công du đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Myanmar tới Anh trong 25 năm qua diễn ra vào thời điểm EU và Mỹ mới đây đã dỡ bỏ hầu hết lệnh cấm vận đối với quốc gia ASEAN này, ngoại trừ lệnh cấm vận vũ khí. Cách đây không lâu Câu lạc bộ Paris cũng đã xóa khoản nợ 6 tỷ USD cho Myanmar như một động thái tích cực nhằm khích lệ những bước tiến mà nước này đạt được trong tiến trình cải cách mở cửa nền kinh tế cũng như dân chủ. Trong bối cảnh đó, việc đẩy nhanh hợp tác kinh tế, thương mại - đầu tư, viện trợ phát triển, cải cách dân chủ của Myanmar… đã được nhà lãnh đạo U Thein Sein và Thủ tướng D.Cameron quan tâm trong cuộc hội đàm tại thủ đô London. Trong đó, nỗ lực xây dựng một chính sách đối ngoại năng động và linh hoạt nhằm phát triển kinh tế của Naypyidaw cùng với tuyên bố tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn với các nhóm sắc tộc vào cuối năm nay của ông U Thein Sein được Thủ tướng D.Cameron đánh giá cao.

Tuy là chặng dừng chân thứ hai nhưng chuyến công du Pháp của Tổng thống U Thein Sein vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Với con số đầu tư của Pháp tại thị trường mới nổi Myanmar chỉ đạt 469 triệu USD tính đến tháng 3-2013, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại không chỉ với Pháp mà còn mở rộng ra cả EU rộng lớn là chủ đề trọng tâm ưu tiên được đặt lên bàn nghị sự trong cuộc hội đàm giữa nhà lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á với Tổng thống nước chủ nhà Francois Hollande tại Điện Elysee. Không chỉ đánh giá cao những thay đổi tích cực tại xứ Ngọc bích thời gian gần đây, Tổng thống F.Hollande còn mong muốn Myanmar xây dựng một lộ trình cải cách cụ thể cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào năm 2015.

Diễn ra gần hai tháng sau chuyến thăm Mỹ, sự trở lại EU lần này của Tổng thống U Thein Sein cũng chuyển đi thông điệp Naypyidaw đã sẵn sàng hợp tác không chỉ với Anh, Pháp mà cả EU. Việc tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư với Pháp và Anh, hai trong số các nền kinh tế hàng đầu của EU, cũng được nhận định sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Myanmar thâm nhập vào thị trường EU và ngược lại. Với Myanmar, sau khi thoát khỏi các lệnh trừng phạt, đây là cơ hội tốt để thu hút đầu tư nhằm phát huy tiềm lực. Dù giàu tài nguyên nhưng nếu không có công nghệ hiện đại và nguồn vốn, kinh tế Myanmar khó mà cất cánh. Với EU, tiềm năng đất đai rộng lớn, tài nguyên khoáng sản phong phú, nguồn nhân lực dồi dào và một thị trường hầu như còn chưa được khai phá, Myanmar đang nổi lên như một địa chỉ đầu tư rất hấp dẫn.

Kể từ năm 2011 khi Tổng thống U Thein Sein tiến hành công cuộc cải cách, mối quan hệ giữa Myanmar và phương Tây được cải thiện rõ rệt. Công ty tư vấn quản lý toàn cầu của Mỹ McKinsey Golbal Institute (MGI) vừa công bố báo cáo nghiên cứu mang tên "Thời điểm của Myanmar: Cơ hội duy nhất và những thách thức lớn". Trong đó nhận định rằng, với nguồn tài nguyên thiên nhiên đáng kể, bao gồm cả dầu khí lẫn đá quý, Myanmar có thể tăng gấp bốn lần quy mô nền kinh tế của mình vào năm 2030 nếu bảo đảm duy trì được ổn định chính trị - xã hội, đa dạng hóa các ngành, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, quản lý tốt và phát triển cơ sở hạ tầng. Theo đó, dự báo quy mô của nền kinh tế Myanmar sẽ tăng từ 45 tỷ USD năm 2010 lên hơn 200 tỷ USD vào năm 2030 và tổng chi tiêu có khả năng tăng từ 35 tỷ năm 2013 lên 100 tỷ USD khi tầng lớp trung lưu dự đoán trong cùng kỳ sẽ tăng từ 2,5 triệu người lên 19 triệu người. Vì vậy, tiềm năng to lớn của nền kinh tế hơn 60 triệu dân này sẽ là cơ hội hợp tác cho cả Myanmar và các đối tác, trong đó có Anh và Pháp. Và một phần của lộ trình đó đã được định hình qua chuyến thăm của nhà lãnh đạo xứ Ngọc bích.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn trong hành trình đổi mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.