Đất kinh sư muôn đời - "Thăng Long", ngay từ cái tên đã hàm chứa khát vọng hùng cường, thịnh vượng của quốc gia, dân tộc. Tiếp nối trao truyền qua nhiều thế hệ, Hà Nội hôm nay - nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, vẫn vẹn nguyên khát vọng bay lên.
70 năm đã qua kể từ Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954, Đảng bộ, chính quyền và quân dân Hà Nội đã không ngừng phấn đấu xứng đáng là trái tim của cả nước. Hà Nội vừa là đầu tàu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam. Đỉnh cao của khát vọng độc lập, tự cường của Thăng Long - Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh là Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972, tạo đà cho cả dân tộc vùng lên “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thống nhất non sông. Tinh thần, khát vọng bay lên còn trở thành nguồn động lực vô tận đưa cả nước vượt qua cái thời “thiếu ăn, thiếu mặc”, giữ được độc lập, hòa bình, ổn định để đổi mới và phát triển giữa một thế giới đầy biến động. Sau gần 40 năm đổi mới, thế nước mà Thủ đô Hà Nội là nơi "cả nước nhìn về", "thế giới trông vào" ngày càng vững chãi, như nhận định ghi trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Không dừng lại ở đó, khát vọng Thăng Long được hun đúc từ ngàn xưa tiếp tục được cụ thể hóa trong đường lối mới nhất làm cơ sở cho sự phát triển của Thủ đô. Đó là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", trong đó xác định mục tiêu phát triển Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" cùng tầm nhìn trở thành thành phố kết nối toàn cầu.
Thực hiện Nghị quyết, Hà Nội đã bắt tay ngay vào bằng những việc làm cụ thể. Con đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô khởi công với thời gian chuẩn bị và giải phóng mặt bằng nhanh kỷ lục chính là ví dụ tiêu biểu. Khí thế hiện thực hóa khát vọng Thăng Long còn được Hà Nội thổi hồn, khơi dậy sức sống mới cho những di sản văn hóa bằng chủ trương ưu tiên đầu tư cho 3 lĩnh vực (y tế, giáo dục, văn hóa), đặc biệt là phát triển công nghiệp văn hóa... Trong tâm thế hướng tới tương lai, Hà Nội đang tập trung với quyết tâm trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) vào kỳ họp tháng 5-2024, đồng thời hoàn thành Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, và lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là bước đi mang tầm chiến lược vừa định hình không gian phát triển Thủ đô, vừa mở thông cơ chế giao quyền cho Hà Nội phát huy tinh thần tự chủ, dám nghĩ, dám làm để thực hiện kế hoạch phát triển.
Diện mạo tương lai của Hà Nội là một thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại với 5 trục phát triển, trong đó trục sông Hồng là trung tâm hội tụ, điểm nhấn quan trọng. Đó còn là Hà Nội với hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện từ hệ thống đường vành đai, các cầu vượt sông đến hệ thống 10 tuyến tàu điện kết nối từ nội đô đến ngoại thành, tới cả các tỉnh lân cận. Hà Nội còn là đô thị xanh phát triển rộng mở mà trước mắt với 2 thành phố trực thuộc ở phía Bắc và phía Tây tạo thành những cực tăng trưởng mới...
Nhiệm vụ đặt ra trong năm mới là phải chuẩn bị sẵn sàng cả về tâm thế và điều kiện để đón bắt cơ hội, bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện 3 chủ trương lớn nói trên thành sản phẩm cụ thể. Điểm qua thực tế đã thấy công việc rất lớn, như với Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có khoảng 100 đầu việc thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND Thành phố, mà nếu chờ đến khi Luật được thông qua mới bắt tay vào làm thì sẽ chậm. Do đó, tinh thần của Hà Nội là tiếp tục quyết liệt với chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, lấy đó làm điểm tựa vững vàng để hoàn thành trọng trách nặng nề.
Năm thành tố trong chủ đề công tác nói trên nếu được thẩm thấu, chuyển hóa vào từng công việc, từng hành động của mỗi cấp, mỗi ngành, cơ quan, đơn vị, nhất là từ người đứng đầu đến từng cán bộ, đảng viên và người dân; lại được tiếp sức bởi tình yêu Hà Nội thì quyết tâm hiện thực hóa khát vọng Thăng Long chắc chắn sẽ ghi dấu ấn mới, tạo thành công mới!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.