(HNM) - Kỳ họp thứ năm HĐND TP Hà Nội khóa XV đã hoàn thành tốt đẹp chương trình đề ra sau 3 ngày (từ 4 đến 6-12) làm việc tích cực, trách nhiệm, đổi mới.
16 nghị quyết quan trọng đã được thông qua là căn cứ, cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố sử dụng hiệu quả các nguồn lực và tạo sự chủ động cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Đây cũng là kỳ họp có nhiều đổi mới trong công tác chuẩn bị, công tác điều hành, đặc biệt là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã mang "hơi thở" của cuộc sống vào nghị trường.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội. Ảnh: Viết Thành |
Nhiều chính sách quan trọng tác động đời sống
Trong kỳ họp cuối năm 2017, ngoài việc biểu quyết thông qua 5 nghị quyết thường kỳ, HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua 11 nghị quyết chuyên đề. Đây là những nghị quyết quan trọng, tác động nhiều mặt đến đời sống dân sinh và sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trước mắt và lâu dài. Theo Chánh Văn phòng HĐND thành phố Lê Minh Đức, do có sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, đúng luật; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn của UBND, HĐND thành phố trong quá trình khảo sát, thu thập thông tin phục vụ thẩm tra; cung cấp tài liệu sớm cho đại biểu, nên tại kỳ họp, các nghị quyết được thông qua với tỷ lệ phiếu tán thành cao. Đáng chú ý, các nghị quyết, như: Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; bổ sung danh mục công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020; điều chỉnh Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước thành phố giai đoạn 2016-2020; đồ án quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc TP Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000; Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2018… được các đại biểu thảo luận kỹ lưỡng. Những nội dung đại biểu còn băn khoăn đều được thành viên UBND thành phố giải trình thấu đáo, tạo sự thống nhất cao.
Đơn cử như, Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2018. Trước ngày diễn ra kỳ họp, một số đại biểu còn chưa yên tâm về việc sắp xếp, giảm biên chế cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố; nguyên tắc cắt giảm biên chế của các quận, huyện, thị xã…, thì sang ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp, các đại biểu đã hoàn toàn đồng tình và thông qua nghị quyết với số phiếu tán thành cao. Trước đó (ngày 4-12), UBND thành phố đã có báo cáo giải trình bổ sung, nêu rõ quan điểm về nội dung này.
Tương tự là Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố (trong đó có việc tăng giá trông giữ phương tiện ở 12 tuyến phố khu đô thị lõi quận Hoàn Kiếm). Trước đó, đại biểu Hoàng Huy Được (Tổ Ba Vì) và nhiều đại biểu khác còn băn khoăn, khi tăng phí, ai là người thụ hưởng và thành phố sẽ thu được bao nhiêu tiền từ việc tăng phí này? Ngay sau đó, thành viên UBND thành phố đã giải trình rõ, việc tăng giá trông giữ phương tiện giao thông chỉ áp dụng với vỉa hè, lòng đường và không lấy mục tiêu thu tiền về ngân sách, mà mục đích nhằm hạn chế phương tiện cá nhân… thì các đại biểu đồng tình nhất trí cao. Theo đó, khu vực lõi quận Hoàn Kiếm sẽ tăng từ 80.000 đồng lên 240.000 đồng/m2/tháng lòng đường trông giữ ô tô và từ 45.000 đồng lên 135.000 đồng/m2 /tháng vỉa hè trông giữ xe máy.
Mang "hơi thở" của cuộc sống vào nghị trường
Với phương châm theo đến cùng sự việc, vấn đề chất vấn được chỉ rõ địa chỉ, hình ảnh cụ thể..., phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp (trọn ngày 6-12) đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri Thủ đô. Không chỉ hình thức chất vấn được đổi mới, mà nội dung chất vấn đã tập trung vào hai nhóm vấn đề “nóng” cử tri đặc biệt quan tâm đó là, việc quản lý đô thị và thực hiện chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, dù nội dung chất vấn rộng, toàn diện với hai lĩnh vực từ năm 2016 đến nay, song có sự nghiêm túc, cầu thị, UBND thành phố đã giải trình đầy đủ bằng văn bản hoặc trả lời trực tiếp tại hội trường.
Nét mới đáng chú ý là lần đầu tiên HĐND thành phố tái chất vấn các nội dung đã kiến nghị nhưng chuyển biến chậm. Trong đó, HĐND thành phố đã cung cấp những hình ảnh xác thực, chỉ rõ vấn đề, địa chỉ còn tồn tại như: Ngoài 154 công trình vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ năm 2015, 2016 chưa được xử lý, 6 tháng cuối năm 2017 phát sinh 690 công trình, đến nay vẫn còn tồn 345 công trình chưa được giải quyết, chủ yếu ở các quận, huyện: Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Đông Anh, Hoài Đức. Ngoài ra, còn 340 công trình “siêu mỏng, siêu méo” chủ yếu ở các quận: Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đống Đa chưa được giải quyết; vi phạm quy định trật tự vỉa hè, lòng đường tái bùng phát tại các quận; vẫn còn 58 công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy...
Vì "điểm mặt" được những tồn tại của từng địa phương nên phần trả lời chất vấn của chủ tịch UBND các quận, huyện nhiều hơn so với kỳ trước, trong đó đã nêu rõ thời hạn khắc phục tồn tại. Cử tri Đỗ Thu Minh, phường Việt Hưng, quận Long Biên nhận xét, nội dung chất vấn rất "trúng" nguyện vọng của người dân; phần trả lời của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã cung cấp thông tin mà cử tri chờ đợi. Trong khi đó, đại biểu Hoàng Huy Được (Tổ Ba Vì) đánh giá: "Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã chuyển tải được "hơi thở" cuộc sống, qua đó phản ánh tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của cử tri vào trong hoạt động nghị trường".
Chủ tọa kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: "Qua chất vấn đã gợi mở những vấn đề, các giải pháp để UBND thành phố, các sở, ngành tập trung giải quyết hiệu quả các nội dung, theo hướng phân công rõ cơ quan, rõ người chịu trách nhiệm, rõ tiến độ thời gian thực hiện, bảo đảm thực hiện nghiêm túc, dứt điểm những điều đã cam kết trước HĐND cũng như cử tri Thủ đô". Kết quả thực hiện cũng làm cơ sở đánh giá, chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh HĐND bầu theo quy định tại kỳ họp thường kỳ giữa năm 2018.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.