(HNMO) - Trong năm 2022, thành phố Hà Nội tiếp tục xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số thành phố Hà Nội. Bước đầu chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước thành phố, chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường và công cụ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Đó là những mục tiêu tổng quát được đặt ra tại Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội năm 2022.
Kế hoạch cũng đặt ra các chỉ tiêu cụ thể, trong đó, dịch vụ công với 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện, được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
30% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ. 30% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực hợp nhất trên tất cả hệ thống thông tin của các cấp chính quyền. 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phát sinh hồ sơ; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính của thành phố.
Thành phố cũng đặt ra mục tiêu 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc; 50% cơ quan nhà nước tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; 30% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất.
Thành phố cũng đặt mục tiêu cắt giảm thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của thành phố đối với 50% cuộc họp tại UBND thành phố và áp dụng thực hiện tại 40% cấp huyện trên cơ sở hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. 50% báo cáo định kỳ (không gồm nội dung mật) của cơ quan hành chính nhà nước thuộc thành phố được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo của thành phố phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố; 50% báo cáo định kỳ (không gồm nội dung mật) được cập nhật, chia sẻ với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia...
Để thực hiện kế hoạch trên, thành phố đề ra 6 nhiệm vụ cần triển khai, gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách; phát triển hạ tầng số; phát triển dữ liệu; phát triển ứng dụng, dịch vụ; đảm bảo an toàn thông tin. Trong số 6 nhiệm vụ này, việc phát triển ứng dụng, dịch vụ được chia làm 2 nhiệm vụ: Phục vụ người dân và doanh nghiệp; phục vụ hoạt động điều hành nội bộ.
Để phục vụ người dân, doanh nghiệp, Hà Nội sẽ triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố kết nối hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ chính phủ số và các hệ thống quy mô quốc gia cần thiết khác; phát triển các dịch vụ công trực tuyến dựa trên nhu cầu người dân, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong cung cấp dịch vụ như trợ lý ảo, trả lời tự động...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.