(HNM) - Đến thời điểm này, Hà Nội đã có hơn 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), diện mạo các làng quê đã sáng - xanh - sạch - đẹp hơn rất nhiều so với trước. Điều quan trọng hơn là đời sống của đại bộ phận nông dân ngày càng khấm khá lên.
(HNM) - Đến thời điểm này, Hà Nội đã có hơn 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), diện mạo các làng quê đã sáng - xanh - sạch - đẹp hơn rất nhiều so với trước. Điều quan trọng hơn là đời sống của đại bộ phận nông dân ngày càng khấm khá lên. Tuy nhiên, bà con vẫn băn khoăn vì việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa, thực hiện xây dựng NTM vẫn còn chậm. Trong khi, nếu không có sổ đỏ, người nông dân sẽ rất khó tiếp cận được nguồn vốn để mở rộng sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, thực hiện các giao dịch dân sự cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Nguyên nhân của việc chậm cấp sổ đỏ đất nông nghiệp cho người dân đã rõ. Bên cạnh lý do thiếu kinh phí, khó khăn trong việc đo vẽ bản đồ, lập hồ sơ về thửa đất... còn có một thực tế là, trong một thời gian dài, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ bị xao nhãng.
Đến nay, theo báo cáo của các sở: Tài nguyên và Môi trường, NN&PTNT và Tài chính, các điều kiện cần thiết để cấp sổ đỏ đất nông nghiệp như kinh phí, thủ tục pháp lý đã đầy đủ, thuận lợi, không còn vướng mắc. UBND thành phố cũng đã có văn bản hướng dẫn, các địa phương căn cứ vào phương án dồn điền, đổi thửa để cấp sổ đỏ; đồng thời đặt mục tiêu hoàn thành cấp sổ đỏ đất nông nghiệp trong năm 2016.
Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, trong khi cấp sổ đỏ là một việc làm lớn, liên quan đến hàng trăm nghìn hộ nông dân với nhiều thủ tục nên nếu không vào cuộc quyết liệt, rất khó hoàn thành đúng kế hoạch. Do đó, các huyện, thị xã ở cơ sở cần xây dựng kế hoạch chi tiết đến từng xã, theo từng tháng. Liên ngành tài chính, tài nguyên - môi trường… cũng phải sát sao, cử những cán bộ đủ năng lực để giải quyết ngay những vướng mắc từ cơ sở theo phương châm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Trong trường hợp không làm kịp bản đồ có thể cấp theo sơ đồ, phương án dồn điền, đổi thửa đã được thông qua để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ, giúp nông dân yên tâm sản xuất trên mảnh đất của họ.
Mới đây, khi làm việc với Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU về "Phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân", Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban Chỉ đạo nêu rõ: Nhiệm vụ cấp sổ đỏ đất nông nghiệp cho các hộ dân sau dồn điền, đổi thửa phải hoàn thành trong năm 2016. Cấp ủy, chính quyền các cấp phải tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện. Nếu không hoàn thành, cán bộ lãnh đạo các cơ quan liên quan đều phải kiểm điểm…
Như vậy, các cấp quản lý và cán bộ có liên quan phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Đồng thời, qua những công việc cụ thể để khẳng định: Tiến trình cải cách hành chính là một mục tiêu liên tục, không có điểm dừng mới có thể đáp ứng được yêu cầu của người dân cũng như những đòi hỏi từ tiến trình phát triển của thành phố.
Hiện nay, khu vực nông thôn Hà Nội có hơn 3,7 triệu người, chiếm trên 50% dân số và 2,2 triệu lao động, chiếm 55,6% lực lượng lao động của thành phố, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô. Để chương trình "Phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân" của Thành ủy giai đoạn 2016-2020 đạt hiệu quả thiết thực, người nông dân được trực tiếp thụ hưởng thành quả của chương trình xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở cần tập trung chỉ đạo quyết liệt việc cấp sổ đỏ đất nông nghiệp cho người dân, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu từ nay đến cuối năm 2016.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.