(HNM) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Văn bản số 493/TTg-KSTT yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả. Đây tiếp tục là giải pháp cấp thiết lúc này.
Đúng như đánh giá trong văn bản trên, bên cạnh những tiến bộ đáng kể (như các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 2.200 quy định kinh doanh tại 177 văn bản quy phạm pháp luật từ năm 2021 đến nay), thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn còn là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Việc giải quyết thủ tục hành chính còn qua nhiều tầng nấc trung gian, gây chậm trễ, ách tắc. Đáng chú ý, việc tổ chức thực hiện thủ tục hành chính một số nơi chưa nghiêm, còn có hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, đặt thêm thủ tục ngoài quy định.
Thực tế, từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một trong những trọng tâm chính sách phát triển kinh tế. Song, xu hướng cải cách về môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn nặng tính hình thức. Tình trạng “cài cắm” điều kiện kinh doanh trong các thông tư do cấp bộ ban hành vẫn xảy ra... Việc cắt giảm danh mục điều kiện kinh doanh là có, nhưng chủ yếu dưới hình thức gộp tên ngành nghề hoặc sử dụng tên ngành nghề có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, để rút gọn về số lượng. Thủ tục về đất đai còn rất khó khăn, có nhiều mâu thuẫn, chồng chéo về quy định pháp luật trong các lĩnh vực khiến môi trường kinh doanh có những khoảng trống chưa được lấp đầy.
Thực tế, điều doanh nghiệp luôn mong mỏi là cải cách thủ tục hành chính và tạo lập môi trường kinh doanh phải thông thoáng, thân thiện, lành mạnh. Không ít lần các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đề đạt nguyện vọng đến cấp có thẩm quyền rằng, điều họ cần nhất là hỗ trợ về thủ tục hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh.
Do đó, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 493/TTg-KSTT là rất cần thiết, bởi thực tế cộng đồng doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Trong 5 tháng đầu năm 2023, 88.000 doanh nghiệp trên cả nước đã rút khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Khảo sát trực tuyến của Báo Diễn đàn doanh nghiệp vào cuối tháng 4-2023 trên gần 10.000 doanh nghiệp cho thấy, hơn 83% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô, ngành hàng, lao động. Các doanh nghiệp còn cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất với họ là thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật (45,3%).
Cho nên, với một hệ thống nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, bài bản, toàn diện được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Văn bản số 493/TTg-KSTT, mà trọng tâm là bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ, kỳ vọng tiếp tục tạo động lực phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Mấu chốt để thực hiện thực chất, hiệu quả các chỉ đạo tại Văn bản số 493/TTg-KSTT phụ thuộc vào cách thức tổ chức, sự vào cuộc nghiêm túc với trách nhiệm cao của mỗi bộ, ngành, địa phương. Các cấp, ngành cần thực hiện tốt phương châm Chính phủ chỉ đạo, đó là: “Đoàn kết - kỷ cương, bản lĩnh - linh hoạt, đổi mới - sáng tạo, kịp thời - hiệu quả”.
Trong đó, kỷ cương phải đặt lên hàng đầu với biện pháp chính là đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ; thực hiện công khai, minh bạch đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về thủ tục hành chính và quá trình tiếp nhận, giải quyết để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, theo dõi, giám sát, đánh giá trong quá trình tổ chức thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.