(HNM) - Xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) giờ vẫn còn giữ được nguyên vẹn hình ảnh làng quê thanh bình với những người nông dân cần cù, bám đất, bám làng, bắt đất "đẻ ra vàng" để cung cấp cho đời những loại nông sản cao cấp như cam Canh, phật thủ… và làm cho diện mạo nông thôn ở đây trở nên khang trang, sạch đẹp. Nhưng Yên Sở đẹp hơn, ấn tượng hơn còn ở truyền thống tôn sư trọng đạo, luôn coi trọng sự học hành...
Tôi đã có nhiều lần về "làng dừa" Yên Sở để thăm những di tích như Quán Giá, đền Giá…, nghe chuyện người già và tham gia những buổi sinh hoạt cộng đồng của người dân nơi đây. Không ồn ào như cuộc sống nội đô, sự yên ả dường như là nét chủ đạo trong cuộc sống thường nhật của làng quê Đồng bằng Bắc bộ này. Đến thăm Trường Mầm non Yên Sở vào một ngày đầu tháng 5, điều đầu tiên làm tôi ngỡ ngàng là gần 1.000 trẻ được nuôi dạy trong một môi trường sư phạm lành mạnh, lớp học đầy đủ tiện nghi, nhà bếp rộng rãi, sạch sẽ, giáo viên có tâm huyết, các cháu đều sạch sẽ, tinh tươm... Có lẽ vì vậy nhiều năm liền, Trường Mầm non Yên Sở luôn đạt danh hiệu "lá cờ đầu" trong các huyện ngoại thành và đạt trường chuẩn quốc gia. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Dần, người có hơn 30 năm gắn bó với nghề sư phạm tâm sự, động lực quan trọng để chị hết lòng với phong trào giáo dục địa phương, ngoài tình yêu với con trẻ còn là thái độ trân trọng của chính quyền địa phương, của nhân dân, phụ huynh trên địa bàn khi coi trọng cả 3 cấp học, trong đó có sự ưu ái hơn tới các em nhỏ lứa tuổi mầm non.
Ở Yên Sở, không thiếu những người thầy, người cô mấy chục năm gắn bó với học trò với sự tận tâm, tận lực để rồi niềm vui họ nhận lại là sự trân trọng, biết ơn của không chỉ mỗi thế hệ học trò đi qua mà cả người thân của họ như cô giáo Trần Thị Ổn, Lê Thị Liễu… Và mỗi lớp học trò sinh ra, lớn lên, trưởng thành và thành danh ở nhiều lĩnh vực khác nhau trên khắp mọi miền đất nước, lại cùng nhau chung tay gây dựng, khích lệ phong trào khuyến học, khuyến tài tại địa phương hết sức nhiệt tình, bằng cả tình cảm và vật chất. Đối với người dân Yên Sở, không có gì quan trọng, ý nghĩa hơn là dành môi trường học tập tốt nhất cho con em. Bao đời người dân Yên Sở vẫn quây quần dưới bóng dừa xanh, hay lam hay làm, tần tảo, tích cóp trên ruộng đồng và trên những con chữ và ở đây không thiếu các gia đình hiếu học như gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn 2), chồng mất sớm, nuôi 3 con đỗ đại học, gia đình anh Nguyễn Khắc Dần (thôn 2), hai vợ chồng làm nông nghiệp, nuôi 3 con ăn học thành tài...
Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Yên Sở Nguyễn Bá Hoàn tự hào chia sẻ: Cả 3 cấp trường học trên địa bàn xã nhiều năm liền đạt trường tiên tiến cấp huyện và cấp thành phố, dự kiến trong năm 2013, cả 3 trường đạt trường chuẩn quốc gia. Từ năm 2004 đến nay, toàn xã có 313 em thi đỗ đại học, nhiều em đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp; riêng năm 2012, xã có trên 100 học sinh thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, trong đó có 60 em thi đỗ vào các trường ĐH. Phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh từ xã đến thôn và các dòng họ đã khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của nhân dân, làm tốt việc tuyên truyền theo mô hình "Năm không": Không có trẻ em suy dinh dưỡng - Không có trẻ em bị thất học - Không có học sinh bỏ học - Không có học sinh nghiện ma túy, mắc tệ nạn xã hội - Không có người mù chữ. Trong 7 năm (từ 2004 đến 2010), Hội Khuyến học của xã và các thôn, các dòng họ đã khen thưởng học sinh nghèo vượt khó, học sinh đạt thành tích cao trong học tập với tổng số tiền trên 40 triệu đồng; quỹ phụ huynh của các trường đã khen thưởng trên 7.500 lượt học sinh với tổng trị giá gần 160 triệu đồng. Hội Khuyến học của địa phương và các thôn, các dòng họ như Nguyễn Như, Trần Danh cũng đã vận động xây dựng quỹ khuyến học được trên 100 triệu đồng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.