Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn

16/04/2018 06:46

(HNM) - Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban Tổ chức Thành ủy nghiên cứu Đề tài khoa học

Thành ủy Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học để tìm hướng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng tại các doanh nghiệp.


Để giúp bạn đọc hiểu hơn về vấn đề này, Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu bài viết “Đổi mới mô hình, nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng tại các doanh nghiệp ở thành phố: Đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn” của đồng chí Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Chủ nhiệm đề tài.

Bài đầu: Doanh nghiệp nhà nước và những vấn đề đặt ra trong tình hình mới


Trong nhiều năm qua, công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp luôn được thành phố đặc biệt quan tâm. Sau khi Trung ương có chủ trương tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, thành phố đã sớm tổ chức lại các doanh nghiệp trên địa bàn; tích cực chỉ đạo đảng bộ các doanh nghiệp thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo để bảo đảm sự phát triển ổn định. Đóng góp của các doanh nghiệp với sự phát triển của Thủ đô là rất đáng ghi nhận, nhưng thực tế cũng đặt ra những vấn đề cần giải quyết.

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng

Đến thời điểm hiện nay, Đảng bộ TP Hà Nội có 37 Đảng bộ Tổng công ty, trong đó 15 Đảng bộ Tổng công ty là đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy, hoạt động theo mô hình Đảng bộ toàn Tổng công ty, có 372 tổ chức cơ sở Đảng (đảng bộ cơ sở là 201; chi bộ cơ sở là 171); 2 đảng bộ bộ phận; 1.391 chi bộ trực thuộc với 14.106 đảng viên.

Khi thành lập Đảng bộ hoặc chuyển đến Đảng bộ TP Hà Nội, 15 Tổng công ty này đều là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hoạt động của các công ty thành viên thuộc Tổng công ty được gắn kết với nhau và chịu sự chi phối toàn diện của Tổng công ty. Đến nay đã có 14/15 Tổng công ty đã và đang tiến hành cổ phần hóa, trong đó có 2 Tổng công ty đã hoàn thành công tác cổ phần hóa, thoái hết vốn nhà nước là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - CTCP; Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng công trình giao thông 4; Tổng công ty Thương mại Hà Nội vừa thực hiện IPO vào cuối tháng 3-2018.

Duy nhất Tổng công ty Điện lực Hà Nội (trực thuộc Tập đoàn Điện lực) không nằm trong tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ về "Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020".

Trong những năm qua, 15 Đảng bộ Tổng công ty đã cơ bản thực hiện tốt các nhiệm vụ theo Quy định số 2870-QĐ/TU ngày 15-9-2004 về “Quy định tạm thời chức năng, nhiệm vụ Đảng bộ Tổng công ty nhà nước trực thuộc Thành ủy Hà Nội” và Quy định số 196-QĐ/TƯ ngày 24-11-2008 của Ban Bí thư (khóa X), phát huy tốt lãnh đạo trong các hoạt động của doanh nghiệp; giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng.

Nhiều Tổng công ty đã có bước phát triển vững chắc, quy mô doanh nghiệp không ngừng phát triển; góp phần để kinh tế nhà nước nói chung và kinh tế Thủ đô nói riêng thực hiện vai trò chủ đạo, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và nhu cầu quốc phòng, an ninh. Công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo các đoàn thể được thực hiện bài bản, nghiêm túc. Số lượng, chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên hằng năm đều tăng.

Tuy nhiên, thực tiễn công tác xây dựng Đảng trong các Tổng công ty thuộc Thành ủy Hà Nội cho thấy, quá trình hội nhập quốc tế và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã ảnh hưởng rất sâu sắc đến mô hình tổ chức, nội dung và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng các Tổng công ty, thể hiện rõ nét ở những mặt sau:

Thứ nhất, mô hình tổ chức Đảng trong các Tổng công ty thuộc Thành ủy Hà Nội đã bộc lộ những bất cập, nhiều loại hình tổ chức Đảng trong cùng Đảng bộ Tổng công ty. Các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập theo Tổng công ty nhưng trực thuộc các cấp trên khác nhau…

Thứ hai, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã làm thay đổi cơ cấu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Thứ ba, sở hữu, quản trị Tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty đã thay đổi nên mô hình, nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các Tổng công ty thuộc Thành ủy Hà Nội không thể như cũ. Những tồn tại, hạn chế trên đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò lãnh đạo của các Đảng ủy Tổng công ty trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng; thể hiện rõ nhất là hiệu quả sản xuất kinh doanh của các Tổng công ty chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ; năng lực cạnh tranh không cao,...

Đổi mới để đáp ứng yêu cầu trong quản trị doanh nghiệp

Nhiệm vụ trên đặt ra yêu cầu phải đổi mới, hoàn thiện đồng bộ giữa mô hình tổ chức Đảng với mô hình quản trị doanh nghiệp; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các Tổng công ty.
Kết quả điều tra, khảo sát tại các Đảng bộ toàn Tổng công ty cấp trên cơ sở, vốn nhà nước dưới 50% có 54% ý kiến người trả lời cho rằng nên hạ cấp tổ chức Đảng, chuyển đổi mô hình cấp trên cơ sở thành Đảng bộ cơ sở, theo mô hình Đảng bộ công ty mẹ của Tổng công ty hoặc Đảng bộ cơ quan Tổng công ty trực thuộc Đảng ủy Khối doanh nghiệp, Khối công nghiệp, 46% cho rằng nên hạ cấp Đảng bộ cấp trên cơ sở trong Tổng công ty thành đảng bộ cơ sở, chuyển về trực thuộc quận, huyện ủy.

Khi đặt câu hỏi về việc đổi mới mô hình tổ chức Đảng theo hình thức nào sẽ phát huy được hiệu quả đối với doanh nghiệp và phù hợp với tình hình thực tế sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các số liệu điều tra cho thấy, đa số ý kiến (70%) người trả lời cho rằng nên giữ nguyên mô hình tổ chức Đảng như hiện nay đối với các đảng bộ cấp trên cơ sở có vốn nhà nước chi phối, hoặc các Tổng công ty lớn, lĩnh vực hoạt động kinh doanh chi phối đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và có sự ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế.

Bởi lẽ, ngoài nhiệm vụ kinh doanh mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và người lao động, thì Tổng công ty còn phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà Thành ủy giao, cũng như thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng cần thiết phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, việc đổi mới mô hình, phương thức cũng nên xem xét kỹ đến đặc thù của từng doanh nghiệp, Tổng công ty.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, các Tổng công ty có tổ chức Đảng thuộc Đảng bộ Hà Nội sẽ cổ phần hóa, vốn nhà nước có dưới 50% hoặc không còn vốn nhà nước. Đặc điểm chung của các Tổng công ty có vốn nhà nước không chi phối là vai trò quản lý và điều hành của Nhà nước hoặc người đại diện vốn của Nhà nước trong Tổng công ty không giữ vai trò quyết định trong chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, công tác cán bộ, phân phối lợi nhuận và tài sản của Tổng công ty.

Quyền quyết định các vấn đề trọng đại của Tổng công ty do đại hội cổ đông hoặc hội đồng quản trị quyết định. Khi doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước sẽ tác động trực tiếp đến vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. Sau cổ phần hóa, nhiều cấp ủy trong doanh nghiệp nếu chậm đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, sẽ khó theo kịp tình hình, hiệu quả không cao, công tác quản lý và phân công công tác cho đảng viên gặp nhiều khó khăn…

Vì vậy, cùng với sắp xếp, tổ chức lại mô hình nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động phải đặc biệt coi trọng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng phù hợp tình hình mới. Nâng cao hiệu quả và vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức Đảng tại doanh nghiệp trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng và thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước, công tác chính trị, tư tưởng, công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, phát huy dân chủ cơ sở.

(Còn nữa)

Vũ Đức Bảo
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.