Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Đáp án'' cho nhiều ''bài toán'' phát triển nông nghiệp

Thế Văn| 18/05/2022 06:24

(HNM) - Về việc cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh: “Chú trọng phát triển công nghệ giống, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, gắn với phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm…”. Có thể khẳng định, đây là "đáp án" cho nhiều “bài toán” phát triển nông nghiệp Thủ đô hiện nay.

Phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nông nghiệp Hà Nội và cả nước. Đây là giải pháp căn cơ cho vấn đề “được mùa mất giá” đã và đang làm “đau đầu” các cơ quan quản lý cũng như người nông dân trong những năm vừa qua. Và quan trọng hơn, công nghệ chế biến - chế biến sâu chính là “bệ đỡ”, một động lực dẫn dắt chuỗi giá trị sản xuất và cũng là một thành tố nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Nói cách khác, công nghệ chế biến có thể xem là một “đầu tàu” dẫn dắt nông nghiệp nước nhà theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; đồng thời góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Thủ đô.

Những năm gần đây, công nghiệp bảo quản chế biến nông sản của Hà Nội đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Không chỉ góp phần giải quyết tình trạng ùn ứ sản phẩm khi vào vụ thu hoạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thực phẩm chế biến của thị trường tiêu dùng thời hiện đại, lĩnh vực này còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn và có nhiều đóng góp vào tiến trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản… Việc đầu tư công nghệ chế biến sâu đã làm thay đổi nhận thức về quản lý, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn bộ quy trình sản xuất. Đây cũng là nền tảng cơ bản để Hà Nội phát huy lợi thế riêng có, hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, công nghiệp bảo quản, chế biến của Hà Nội còn một khoảng cách khá xa so với đòi hỏi của một nền nông nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay, lĩnh vực này tiếp tục bộc lộ những tồn tại, là trở lực cho tiến trình phát triển. Cụ thể, Hà Nội có hơn 400 cơ sở sản xuất hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản nhưng phần lớn có quy mô nhỏ, sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, bí quyết gia truyền, hệ số đổi mới thiết bị cũng như năng lực tiếp cận công nghệ hiện đại chưa cao nên năng suất thấp, sản phẩm chưa phong phú…, dẫn đến chưa có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Mặt khác, việc liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm vẫn còn hạn chế, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các vấn đề quỹ đất, nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực, năng lực tiếp cận công nghệ mới, kỹ năng quản trị… cũng là những “rào cản” đối với tiến trình đổi mới công nghệ, cơ cấu sản phẩm… Và, cho đến thời điểm hiện tại, thành phố vẫn chưa có những nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đủ sức cạnh tranh và định vị thương hiệu trên thị trường thế giới.

Do vậy, để đưa Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào cuộc sống, trong đó có yêu cầu thúc đẩy phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, gắn với phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 hình thành 15 khu chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ hiện đại đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu…,  các cơ quan chức năng của thành phố phải cụ thể hóa bằng những chương trình, kế hoạch giàu tính khả thi với tư duy mới và quyết tâm mới.

Cùng với việc cơ cấu công nghiệp bảo quản, chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung, các nhóm cây trồng, vật nuôi chủ lực, ngành Nông nghiệp cần tham mưu cho thành phố xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ một cách thực chất, tạo cơ chế thông thoáng, điều kiện thuận lợi về quỹ đất, nguồn vốn để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này; đồng thời xây dựng các đề án phát triển công nghiệp chế biến với từng ngành hàng cụ thể, qua đó định hướng lâu dài cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất… Mặt khác là chủ động triển khai các giải pháp kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản, qua đó giám sát chất lượng, nâng cao khả năng cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực về nguồn vốn, khoa học công nghệ để dẫn dắt các chuỗi liên kết này...

Phát triển công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sẽ giải được nhiều “bài toán” của nông nghiệp Thủ đô hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Đáp án'' cho nhiều ''bài toán'' phát triển nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.