Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản

Ngọc Quỳnh| 27/03/2023 06:11

(HNM) - Để tránh tình trạng được mùa mất giá, thu hoạch ồ ạt nông sản vào thời vụ, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã tập trung đầu tư chế biến nông sản. Tuy nhiên, công nghệ chế biến còn lạc hậu và chưa có vùng nguyên liệu ổn định... Do đó, Nhà nước cần phải có những chính sách ưu đãi, nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Sản xuất nông sản xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Ảnh: Xuân Quang

Hướng đi tất yếu

Hiện tại, cả nước có hơn 7.500 doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; tập trung vào 13 sản phẩm chủ lực của ngành Nông nghiệp. Mỗi năm, Việt Nam chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên vật liệu nông sản. Các địa phương cũng đã chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, nhằm khắc phục tình trạng "được mùa mất giá", nâng cao giá trị gia tăng, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long (huyện Chương Mỹ) Phan Trung Kiên, hiện doanh nghiệp có gần 20.000 con gà, hơn 100ha trồng cà gai leo và dược liệu ở khắp cả nước. Do có vùng nguyên liệu lớn, nên công ty đã đầu tư máy móc để chế biến dược liệu thanh trà, viên nén, viên nang, cho hiệu quả kinh tế cao.

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, thành phố Hà Nội có hơn 1.700 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản; hơn 250 doanh nghiệp chế biến. Các sản phẩm nông sản được chế biến sâu với chủng loại phong phú, đa dạng và 1.421 hợp tác xã, hộ cá thể tham gia thực hiện chế biến, bảo quản phục vụ tiêu dùng ở địa phương. Tuy nhiên, ngành chế biến nông, lâm, thủy sản còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Điều đáng nói, sản lượng nông sản chế biến của Hà Nội đạt khoảng 1.500 tấn/tháng, song nhu cầu nông, lâm, thủy sản chế biến trên địa bàn thành phố lên tới 5.350 tấn (mới đáp ứng được 28%). Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp chưa đủ mạnh để thu hút được các doanh nghiệp đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản.

Trong khi đó, ông Phạm Minh Thắng, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho rằng, công nghệ chế biến nông sản của Việt Nam còn nhỏ lẻ, lạc hậu với khoảng 95% cơ sở chế biến có quy mô vừa và nhỏ. Các sản phẩm sơ chế vẫn chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 70-80%), các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao còn ít. Do quy mô nhỏ, nên khó khăn trong đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, các rào cản kỹ thuật xuất khẩu. Mặt khác, người sản xuất thường bị động về thông tin thị trường, dẫn đến tình trạng được mùa thì lại bị thương lái ép giá, lợi nhuận không cao, hạn chế tích lũy, nên thiếu vốn để đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc đồng bộ theo chuỗi khép kín.

Hiện thực hóa các mục tiêu

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) Đinh Cao Khuê, để nhà máy chế biến nông sản hoạt động hiệu quả, các địa phương cần xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, ổn định, lâu dài. Vốn đầu tư cho xây dựng nhà máy chế biến rau quả, nông sản rất lớn, cần ít nhất từ 400 tỷ đồng đến 2.000 tỷ đồng, nên các cơ quan chức năng cần có chính sách phù hợp, ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản về thời gian vay, trả vốn, lãi suất vay một cách hợp lý để mở rộng quy mô sản xuất.

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, thành phố Hà Nội sẽ đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc, công nghệ cho hoạt động chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, cấp mã vùng đối với nông sản (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản); chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn thành phố và hướng tới xuất khẩu...

Ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu, đến năm 2030, Việt Nam phát triển ngành chế biến hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu và quy định của các thị trường tiêu thụ, trở thành trung tâm chế biến nông sản và đứng nhóm 10 nước hàng đầu của thế giới. Để thực hiện được mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, các địa phương cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực chế biến, nhằm nâng tỷ trọng nông sản có giá trị gia tăng cao, giảm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thô. Bộ sẽ phối hợp với các địa phương hỗ trợ đầu tư mới và mở rộng công suất các cơ sở chế biến đối với những ngành hàng có vùng nguyên liệu đạt chuẩn, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm...

Sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sẽ khắc phục được tình trạng được mùa, mất giá, thay đổi tư duy của người nông dân từ thói quen chỉ sản xuất những gì mình có, sang sản xuất theo nhu cầu thị trường. Do đó, các bộ, ngành cũng như chính quyền địa phương cần có những cơ chế, chính sách mới, hấp dẫn hơn hiện nay để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.