Nông nghiệp

Cải thiện năng lực chế biến nông sản

Ánh Dương 18/10/2023 - 06:22

Những năm gần đây, công nghiệp chế biến nông sản của Hà Nội đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nhờ đó, giá trị các mặt hàng nông sản được nâng lên rõ rệt.

che-bien-thuc-pham.jpg
Dây chuyền chế biến thực phẩm tại Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Ảnh: Đỗ Tâm

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 14.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, trong đó có 250 doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông, lâm, thủy sản; hơn 1.650 hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể thực hiện sơ chế, chế biến, bảo quản để phục vụ tiêu dùng ở địa phương; 159 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro bởi phụ thuộc vào thời tiết, dịch bệnh, nhu cầu thị trường... Do đó, việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến được coi là giải pháp tối ưu, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm nguồn nông sản phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu... Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã và đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành các chuỗi sản xuất khép kín, nâng cao năng lực chế biến nông sản.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho biết, định hướng của thị xã là tập trung sản xuất, chế biến nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm cung cấp cho thị trường, đặc biệt là đối với các bếp ăn tập thể. Chẳng hạn, vùng sản xuất rau an toàn của Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ nông sản sạch Viên Sơn (phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây) đang trực tiếp quản lý và sản xuất 10ha rau an toàn; trong đó có 8ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện theo chuỗi liên kết khép kín từ đầu vào, sản xuất, sơ chế, đến tiêu thụ sản phẩm.

Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ nông sản sạch Viên Sơn Bùi Thị Hiếu cho hay, hợp tác xã đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất - sơ chế - tiêu thụ sản phẩm với một số đơn vị: Công ty TNHH một thành viên Công nghệ môi trường VMG, Công ty cổ phần HC toàn cầu… để chế biến, cung cấp sản phẩm rau an toàn cho các bếp ăn tập thể là các trường học, đơn vị quân đội trên địa bàn thị xã, các chuỗi siêu thị sạch của Hà Nội.

Hay như tại vùng nông trại hữu cơ của Công ty TNHH Nông nghiệp hữu cơ Phúc Lâm (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây) có diện tích 5,4ha trồng cây sâm Bố Chính, cây gia vị, dược liệu khác. Bà Uông Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp hữu cơ Phúc Lâm thông tin, công ty định hướng nghiên cứu và phát triển thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm chăm sóc cá nhân cao cấp, dựa trên nền tảng nguyên liệu là những loại thảo dược quý, được nuôi trồng theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

Trong khi đó, chuỗi thực phẩm A-Z, là chuỗi chăn nuôi hoàn chỉnh từ sản xuất con giống đến giết mổ, sơ chế và chế biến sản phẩm của Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai). Đơn vị đã đầu tư hệ thống giết mổ, đóng gói theo công nghệ của Đan Mạch, bảo đảm an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm. Hợp tác xã đã áp dụng quy trình theo tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng HACCP và ISO-9001.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, công nghiệp chế biến là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, có 50% số cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm rau, củ, quả, thịt, trứng... sử dụng máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ cao, bảo quản sản phẩm theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến... Đến năm 2030, Hà Nội sẽ hình thành 15 khu, cơ sở chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu... Để đạt được mục tiêu này, ngành Nông nghiệp Thủ đô đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển các chuỗi khép kín, nâng cao năng lực chế biến nông sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện năng lực chế biến nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.