Nông nghiệp - Nông thôn

Phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm: Đột phá bằng công nghệ

Ngọc Quỳnh 27/09/2023 - 06:31

Thời gian qua, Hà Nội đã tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trong việc chế biến và bảo quản thực phẩm, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm nguồn cung nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và hướng tới xuất khẩu.

Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp chế biến nông sản theo hướng chuyên nghiệp, đạt hiệu quả cao, việc đầu tư khoa học, công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất cần được coi là giải pháp đột phá.

che-bien-nong-san.jpg
Sản xuất xúc xích tại Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Ảnh: Đỗ Tâm

"Mắt xích" quan trọng trong chuỗi giá trị

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Song Đạt (huyện Thanh Trì) Dương Phương Mai, nắm bắt nhu cầu thịt lợn sạch, an toàn của người tiêu dùng ngày càng cao, công ty đã đầu tư lắp đặt hệ thống dây chuyền pha lóc, sơ chế tự động theo tiêu chuẩn châu Âu. Toàn bộ hệ thống có công suất hơn 70 tấn thịt lợn/ngày đêm được nhập khẩu nguyên bộ và lắp đặt dưới sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài. Để chủ động nguồn nguyên liệu, công ty đã liên kết xây dựng mô hình chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) với quy mô 2.000 con và được cấp giấy chứng nhận VietGAP chăn nuôi.

Còn Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) Đào Quang Vinh cho biết, năm 2012, công ty đã đầu tư hơn 80 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến thịt tươi sạch hiện đại, với trang thiết bị được nhập khẩu và chuyển giao công nghệ từ Pháp, Trung Quốc.

“Nhờ đầu tư vào công nghệ chế biến thực phẩm nên có những thời điểm giá thịt lợn xuống thấp, công ty vẫn thu mua cho nông dân theo hợp đồng. Thịt lợn sau đó được chế biến thành các sản phẩm thịt hun khói, xúc xích..., đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng”, ông Đào Quang Vinh cho hay.

Công nghiệp chế biến là một "mắt xích" quan trọng trong chuỗi giá trị, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng thông tin, thời gian qua, thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất tăng cường đầu tư cho công nghệ chế biến. Đến nay, thành phố có hơn 250 doanh nghiệp chế biến nông sản và hàng nghìn cơ sở có quy mô nhỏ và vừa, thực hiện sơ chế, bảo quản thực phẩm phục vụ tiêu dùng. Bên cạnh đó, không ít hợp tác xã, doanh nghiệp đã đầu tư vào chế biến sâu, đa dạng hóa thị trường thực phẩm. Các sản phẩm làm ra đều có tem nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Hỗ trợ hạ tầng, trang thiết bị

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn những hạn chế. Cụ thể là số lượng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này còn ít, quy mô vừa và nhỏ. Thiết bị, máy móc của các cơ sở chế biến chủ yếu là bán tự động (chiếm 76,6% tổng số cơ sở); công nghệ dây chuyền tự động mới chiếm hơn 14,7% và công nghệ chế biến thủ công vẫn chiếm khoảng 8,7%.

Hệ thống bảo quản các sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản của Hà Nội còn khiêm tốn. Toàn thành phố hiện có 113 kho lạnh, nhưng mới có 7 kho lớn (tổng quy mô gần 30.000m2), còn lại 106 kho có tổng diện tích chỉ hơn 5.300m2.

Hiện, sản lượng các loại nông sản, thực phẩm qua chế biến của thành phố đạt khoảng 1.500 tấn/tháng, trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô là khoảng 5.350 tấn/tháng. Như vậy, năng lực chế biến nông sản, thực phẩm của Hà Nội mới đáp ứng gần 30% nhu cầu thực tế.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 có 50% cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm rau, củ, quả, thịt, trứng... sử dụng máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ cao… Để đạt mục tiêu này, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm 3Brothers (huyện Đông Anh) Nguyễn Xuân Tuấn cho rằng, các ngành chức năng cần quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu sản xuất tập trung đi kèm với hệ thống chế biến nông sản, thực phẩm; nâng cao năng lực chế biến cho các doanh nghiệp gắn với hạ tầng thương mại tiêu thụ nông sản chế biến. Đồng thời, tiếp tục phát triển hệ thống logistics, dịch vụ phụ trợ cho ngành công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị rà soát, quy hoạch cơ sở, vùng giết mổ, chế biến nông sản kết nối với vùng nguyên liệu tập trung và hạ tầng thương mại của thành phố. Mặt khác, thành phố sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, công nghệ cho hoạt động chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường; hỗ trợ các cơ sở giết mổ, chế biến nông sản áp dụng hệ thống chứng nhận chất lượng quốc tế (ISO, HACCP, Halal...), nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm: Đột phá bằng công nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.