(HNM) - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn có vai trò rất quan trọng trong tạo việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân.
Vì vậy, tháng 11-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", với mục tiêu bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu người. Thực hiện đề án, từ năm 2010, TP Hà Nội đã tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 200.000 lao động nông thôn trên địa bàn, bao gồm cả nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Đáng mừng là tỷ lệ lao động có việc sau học nghề đạt hơn 80%, cao hơn tỷ lệ chung cả nước.
Tuy nhiên, thẳng thắn đánh giá, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là, cơ cấu ngành nghề, nội dung, phương thức đào tạo đơn giản, trong khi những ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật, phải đào tạo chuyên sâu, hay những nội dung theo yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hiện nay (như sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...) lại không có trong chương trình, nên khả năng ứng dụng trên thực tế hạn chế. Người nông dân sau khi được đào tạo khó có thể tự tổ chức sản xuất quy mô lớn hay vào làm tại những doanh nghiệp lớn.
Do việc đào tạo nghề chưa sát thực tế nên có nơi, có chỗ, lao động khi học xong, tuy có nghề nhưng thiếu sự bền vững. Vì thế, người lao động không mặn mà với học nghề, học theo phong trào, khi mở lớp thì đăng ký đông nhưng trong quá trình học "rơi rụng" dần; hoặc học để biết chứ khó áp dụng vào thực tế sản xuất....
Khắc phục những bất cập trên, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 1164/UBND-KGVX (ngày 20-3-2018) tăng cường vai trò của chính quyền cấp xã và các hội, ngành, đoàn thể trong thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg tại địa phương. Theo đó, cùng với việc tư vấn cho người lao động về học nghề sẽ rà soát, kiểm tra bảo đảm việc đào tạo chính xác, phù hợp với khả năng, nguyện vọng và cơ hội việc làm sau học nghề. Đặc biệt, chỉ tổ chức lớp học khi lao động thực sự có nhu cầu, tránh lãng phí.
Về lâu dài, để một chính sách an sinh xã hội phát huy hiệu quả cao nhất, đòi hỏi định hướng đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải thay đổi cùng với nhu cầu thị trường. Đó là gắn với định hướng kế hoạch, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, dịch vụ... của địa phương. Chương trình đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, yêu cầu chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp và nhất là bám sát chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Chính phủ.
Ở góc độ quản lý nhà nước, các trung tâm đào tạo và giáo viên dạy nghề cho lao động nông thôn phải được chuẩn hóa để nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, người dạy phải giỏi nghề, có kỹ năng truyền đạt phù hợp với đối tượng là nông dân; trung tâm dạy nghề cần được đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất để bảo đảm lý thuyết phải đi đôi với thực hành.
Đặc biệt, việc đào tạo nghề phải kết nối cho được với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để xây dựng kế hoạch dạy nghề, mà còn cần tư vấn định hướng phát triển sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người lao động sau đào tạo.... Có như vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn mới thực sự đạt chất lượng, hiệu quả bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.