Rất nhiều vướng mắc, giải pháp tháo gỡ liên quan tới đào tạo nghề đã được nêu ra tại hội thảo “Quan điểm, định hướng và giải pháp đào tạo nghề của thành phố Hà Nội đến năm 2030”.
Hội thảo do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp Viện Khoa học Giáo dục và Quản lý kinh tế tổ chức ngày 12-9.
Tại hội thảo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội, các chuyên gia đào tạo thuộc một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn lĩnh vực dệt may, điện lực... đã cùng chia sẻ thực tiễn hoạt động của các đơn vị trong đào tạo nghề.
Trong đó, rất nhiều vấn đề được nêu ra như: Gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề là xu hướng tất yếu nhưng hiện tại, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa phần “mạnh ai, nấy làm”. Trong khi đó, Hà Nội có mạng lưới giáo dục nghề nghiệp dày dặn, rất cần có sự kết nối tổng thể, đồng bộ, để vừa dễ quản lý, vừa phát huy tối đa hiệu quả. Hay như cần có cơ chế cởi mở, thông thoáng, tăng quyền tự chủ cho các trường nghề...
Theo Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vi Thị Hồng Minh, hiện nay, số doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề chưa cao. Toàn thành phố hiện có hơn 250.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng mới gần 600 doanh nghiệp ký kết hợp tác tuyển sinh, đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tại hội thảo, nhiều khuyến nghị, đề xuất đã được đưa ra. Cụ thể, đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cần cải tiến và cập nhật thường xuyên chương trình đào tạo theo hướng tinh gọn, phù hợp cho học viên khi ra làm việc. Đặc biệt, do các nguồn thông tin bên ngoài rất nhiều nên chương trình cần linh động, định hướng để học sinh tìm tòi và tự nghiên cứu, giúp học viên hình thành phong cách chủ động trong học tập, làm việc.
Đối với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và tổ chức của người sử dụng lao động, cần tìm kiếm và tận dụng các cơ hội, hoạt động để tăng cường năng lực chuyên môn cho doanh nghiệp cùng ngành nghề.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách hỗ trợ người lao động học nghề như: Hỗ trợ chi phí đào tạo giáo viên, đào tạo viên của doanh nghiệp và lấy các chứng chỉ do nhà nước quy định; cấp kinh phí đào tạo trực tiếp cho doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động triển khai; cân nhắc giảm thẳng thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp tham gia đào tạo…
Cùng với đó là điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách thúc đẩy gắn kết nhà trường và doanh nghiệp. Trước mắt, có thể tạo điều kiện thông thoáng hơn để doanh nghiệp tự đào tạo, trung tâm thẩm định bên ngoài vào sát hạch và công nhận trình độ tay nghề, đủ điều kiện hành nghề…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.