Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Những vướng mắc cần tháo gỡ

Minh Ngọc| 24/10/2020 06:27

(HNM) - Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016-2020 đạt những kết quả đáng ghi nhận với 88,45% số người học nghề có việc làm. Tuy nhiên, ở một số nơi, việc tổ chức đào tạo nghề vẫn chưa phù hợp với nhu cầu của người học, chưa gắn với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cũng như nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Đây là những vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Lao động nông thôn trên địa bàn huyện Đông Anh tham gia khóa đào tạo nghề may công nghiệp.

Chất lượng việc làm chưa cao

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố có gần 80.000 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề. Hoàn thành các khóa đào tạo, 88,45% số người học đã có việc làm mới hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng tạo ra năng suất, thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, số người đã có việc làm chủ yếu là do họ tự tạo việc làm, còn số người được các doanh nghiệp tuyển dụng, bao tiêu sản phẩm không nhiều, hiện mới đạt 11%. Điều này phần nào cho thấy, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề có việc làm khá cao, nhưng tính ổn định cũng như chất lượng của việc làm chưa cao. Cần quan tâm hơn là một số lao động nông thôn không mặn mà tham gia học nghề, mặc dù được hỗ trợ 100% kinh phí trong quá trình học.

Lý giải về tình trạng này, ông Đỗ Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, một số địa phương khu vực ngoại thành Hà Nội không có nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn, nên nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động rất thấp. Chẳng hạn, tại huyện Ba Vì, đến thời điểm này, số lao động nông thôn được doanh nghiệp tuyển dụng mới đạt 2,7%.

Từ thực tế triển khai chính sách, ông Đỗ An Đông, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đan Phượng phản ánh, nguyên nhân khiến một số lao động nông thôn không tham gia đào tạo nghề do họ là những lao động chính trong gia đình, hằng ngày phải lao động mưu sinh, khó thu xếp công việc để học nghề. Với những người thực sự có nhu cầu học nghề, họ thường theo học các khóa đào tạo bài bản, dài hạn hơn để thành thạo nghề, bảo đảm có việc làm bền vững sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, một số nghề được triển khai đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của người học, nên không thu hút được nhiều người tham gia. Các quy định liên quan đến việc triển khai đào tạo nghề liên tục thay đổi, khiến các đơn vị, địa phương lúng túng trong quá trình thực hiện. Sau khi học nghề, số lao động nông thôn được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để tạo việc làm còn hạn chế… Điều này lý giải vì sao, năm 2020, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Đan Phượng khó đạt kế hoạch đề ra…

Gắn với nhu cầu thực tế sử dụng lao động

Nhằm đưa chính sách đào tạo nghề đi sâu vào đời sống, thu hút đông đảo lao động nông thôn tham gia, qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm nghèo hiệu quả, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu thay đổi thời gian, hình thức đào tạo nghề. Các nghề nông nghiệp nên được chuyển đổi sang hình thức tập huấn kỹ thuật khuyến nông vào mùa vụ giúp học viên có điều kiện thực hành tốt nhất. Một số nghề phi nông nghiệp nên được đào tạo trong khoảng thời gian nhiều hơn 3 tháng để người lao động thành thạo tay nghề.

“Riêng đối với huyện Mỹ Đức, xuất phát từ đặc thù của địa phương, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng bổ sung đào tạo nghề nuôi ong ở những xã có nhiều diện tích trồng nhiều cây ăn quả hoặc đồi, rừng; nghề làm tơ sen ở những xã trồng nhiều sen”, ông Nguyễn Văn Hậu nói.

Đồng quan điểm nêu trên, ông Phạm Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) kiến nghị các cơ quan chức năng tập trung đào tạo một số nghề phù hợp với giai đoạn hiện nay như trồng rau an toàn, sửa chữa ô tô, xe máy…; đồng thời quan tâm tiêu thụ sản phẩm cho nhóm lao động học các nghề nông nghiệp; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động học các nghề phi nông nghiệp.

Dưới góc độ người học, chị Đàm Thị Hợi, thôn 1, xã Phúc Hòa (huyện Phúc Thọ) bày tỏ: “Theo quy định mới, từ năm 2021, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng lên, vì thế, tôi mong muốn các cơ quan chức năng nghiên cứu tăng độ tuổi và mở rộng đối tượng hỗ trợ đào tạo nghề”. Với kinh nghiệm tổ chức đào tạo nhiều năm, ông Nguyễn Cảnh Chính, Quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Thăng Long (địa chỉ tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh) chỉ rõ, nội dung, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần được xây dựng linh hoạt, phù hợp hơn…

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, hiện nay, các sở, ngành chức năng và địa phương đang tiếp tục kiểm tra, rà soát nhu cầu học nghề của từng đối tượng, nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, từ đó mở các lớp dạy nghề gắn với nhu cầu thực tế sử dụng lao động. Thời gian tới, các cơ quan hữu quan sẽ có đánh giá tổng thể về chính sách nhân văn này nhằm nhìn nhận rõ hơn những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, để đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn trong giai đoạn tiếp theo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Những vướng mắc cần tháo gỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.