Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Đánh thức” tiềm năng kinh tế ban đêm

Linh Tâm| 15/09/2020 13:15

(HNNN) - Kinh tế ban đêm được hiểu là toàn bộ các hoạt động dịch vụ diễn ra vào ban đêm. Loại hình kinh tế này mang lại lợi ích rất lớn cho cả du khách lẫn cư dân địa phương và đang là xu thế phổ biến ở các quốc gia phát triển. Đặt kinh tế ban đêm lên bàn cân, có thể thấy “được” nhiều hơn “mất”, với lợi ích thu được về kinh tế, văn hóa, du lịch là rõ ràng. Tuy nhiên, để “đánh thức” tiềm năng kinh tế ban đêm, có nhiều việc cần phải làm với bước đi bài bản nhằm phát huy lợi thế đồng thời hạn chế những mặt tiêu cực phát sinh...

Người dân, du khách vui chơi tại Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận. Ảnh: Linh Tâm

Khai thông “điểm nghẽn”

Lâu nay, du khách đến Hà Nội và nhiều địa phương khác thường phải đi ngủ sớm vì không có nhiều lựa chọn vui chơi, giải trí về đêm. Theo đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội thường bị lệch múi giờ nên càng có nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm dịch vụ vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, ẩm thực vào các buổi tối và ban đêm. Tuy nhiên, từ khoảng 2h sáng trở đi, Hà Nội không còn nhiều cơ sở dịch vụ cho họ... tiêu tiền.

Ở nước ngoài, văn hóa giải trí về ban đêm phát triển rất đa dạng. Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Thái Lan rất biết cách “moi tiền” du khách bằng những hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm, trải nghiệm về đêm. Theo thống kê, mức chi tiêu bình quân của du khách quốc tế tại Thái Lan vào khoảng 173 USD/ngày đêm, còn tại Việt Nam, con số này ở mức “khiêm tốn” là 96 USD/ngày đêm. Cũng bởi không có nhiều dịch vụ bổ trợ hấp dẫn nên số lượng khách du lịch quay trở lại Việt Nam chỉ bằng một nửa so với Thái Lan.

Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế ban đêm nhưng du lịch Việt Nam vẫn gặp khó khi vấp phải một số “điểm nghẽn”, trong đó có “điểm nghẽn” tư duy. “Nói đến kinh tế ban đêm, người ta thường nghĩ đến các dịch vụ nhạy cảm hoặc tệ nạn xã hội dễ nảy sinh để tránh né phát triển kinh tế ban đêm. Nếu không cởi bỏ tâm lý này, du lịch Việt Nam sẽ tự trói tay mình và thua thiệt trong vấn đề cạnh tranh, thu hút khách so với các quốc gia khác”, ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours cho rằng, do những hạn chế trong công tác quản lý nên các cơ quan chức năng có phần cứng nhắc với tư duy “không quản được thì cấm”. “Cần hoàn thiện khung pháp lý, sửa đổi quy định, điều luật một cách chặt chẽ, khoa học, phù hợp với thực tiễn và có tầm nhìn lâu dài. Cùng với đó là áp dụng công nghệ hiện đại, đầu tư trang thiết bị cần thiết cũng như nâng cao trình độ quản lý việc phát triển kinh tế ban đêm”, ông Hoan chia sẻ.

Theo ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, việc phát triển du lịch ban đêm cần có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp có nghề để tạo nên các sản phẩm hấp dẫn, đem lại hiệu quả kinh tế bền vững. Cùng với đó, phải có sự điều phối hợp lý của cơ quan quản lý nhà nước với chiến lược, định hướng phát triển lâu dài bên cạnh việc kiểm soát, quản lý, đánh giá hiệu quả thường xuyên. Khi có sự tham gia của chính quyền địa phương và các bộ, ngành, những “điểm nghẽn” này chắc chắn sẽ được khơi thông.

Phát huy lợi thế

Du khách quốc tế tham quan, mua sắm, trải nghiệm văn hóa tại khu phố cổ Hà Nội vào ban đêm. Ảnh: Bảo Nam

Hà Nội được mệnh danh là “Thành phố di sản” với gần 6.000 di tích - phần lớn tồn tại đan xen trong các khu dân cư, vì thế, du khách dễ dàng “chạm” tới di sản theo nhiều cách. Một trong những trải nghiệm mới khá thu hút khách du lịch trong thời gian gần đây là khám phá Nhà tù Hỏa Lò về đêm. Không chỉ mang đến cho du khách những câu chuyện chân thực, xúc động về sự mất mát, hy sinh và ý chí quật cường của các thế hệ cha anh cũng như tội ác dã man của kẻ thù, tour “Đêm linh thiêng, sáng ngời tinh thần Việt” còn đưa đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo, khác biệt trong không gian tâm linh linh thiêng. Facebooker Toan Thiện chia sẻ trên trang web của di tích Nhà từ Hỏa Lò: “Một đêm thiêng liêng trải nghiệm đầy ý nghĩa đã cho tôi biết và hiểu thêm về lịch sử Việt Nam. Tôi đã rơi nước mắt khi nhìn, nghe những âm thanh, hành động tra tấn dã man của kẻ thù đối với các chiến sĩ cách mạng. Nhà tù Hỏa Lò thực sự là một di tích lịch sử xứng đáng để tham quan khi đặt chân đến Thủ đô Hà Nội”...

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cho rằng, việc xây dựng tour tham quan, trải nghiệm di tích về đêm là cách phát huy giá trị di tích để phục vụ du lịch. Không chỉ mang lại nguồn thu cho di tích, tour du lịch đêm còn góp phần quảng bá văn hóa, đa dạng hóa sản phẩm du lịch Thủ đô và mang đến cho du khách cảm nhận về Hà Nội sôi động, đầy sức sống.

Từ tour du lịch nói trên cho thấy, Hà Nội có thể nghiên cứu phát triển sản phẩm tour đêm tại các di tích khác. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho rằng: Bên cạnh việc khai thác các giá trị của di tích, phát triển kinh tế ban đêm giúp giãn lượng khách tới các điểm tham quan vào ban ngày, góp phần hạn chế tình trạng quá tải. “Chúng tôi muốn xây dựng chương trình ban đêm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trong đó điểm nhấn là hoạt động trình diễn ánh sáng, biểu diễn thực cảnh nhằm tái hiện hành trình học hành, thi cử cho đến lúc vinh quy bái tổ của một nho sinh. Trên cơ sở nguyên tắc bảo tồn, các chương trình này sẽ được xây dựng một cách phù hợp để không làm ảnh hưởng đến di sản, đủ sức thu hút du khách quay trở lại”. 

Không chỉ có lợi thế về văn hóa, Hà Nội còn có tiềm năng thu hút khách tham gia mua sắm về đêm tại các trung tâm thương mại lớn như Times City, Royal City, Aeon Mall, Tràng Tiền Plaza, Doji Tower... Những trung tâm thương mại này có thể đáp ứng nhu cầu mua sắm với chất lượng hàng hóa và giá cả phù hợp. Một số trung tâm thương mại còn có khu vui chơi giải trí mở cửa đến 22h, đáp ứng một phần nhu cầu giải trí của du khách như: Khu đô thị Times City có Thủy cung Vinpearlland Aquarium, rạp chiếu phim CGV, sân khấu nhạc nước; Khu đô thị Royal City có sân trượt băng Ice Rink, khu chơi bowlling hay Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA...

Để kinh tế ban đêm ở Hà Nội phát triển và mang lại hiệu quả cao, theo ông Nguyễn Văn Tài, bản chất và giá trị cốt lõi của kinh tế ban đêm là vui chơi, giải trí và tiêu tiền cho thứ độc đáo chứ không phải là mua bán hàng hóa thiết yếu thông thường, vì vậy, cần cho phép, khuyến khích các loại hình kinh doanh dịch vụ giải trí đa dạng, phù hợp với nhu cầu của du khách. Sự khác biệt không chỉ thể hiện ở loại hình sản phẩm, dịch vụ mà còn là phong cách phục vụ. Các doanh nghiệp cần nắm bắt được điều này để nâng cao chất lượng phục vụ du khách, góp phần thúc đẩy kinh tế đêm phát triển.

“Đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam với mục tiêu: Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Thủ tướng cũng yêu cầu ưu tiên hướng tới tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm đồng thời gắn kết cộng đồng, giao lưu xã hội cho người dân Việt Nam, giữa người dân Việt Nam và người nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch. Khuyến khích phát triển nhiều ngành nghề, hoạt động mới, đặc biệt là ngành công nghiệp sáng tạo, du lịch, bán lẻ, ẩm thực, đồ uống... Tạo động lực thúc đẩy phát triển dịch vụ công cộng và tối ưu hóa việc sử dụng các dịch vụ công, đặc biệt là giảm hiện tượng sử dụng quá tải cơ sở hạ tầng vào ban ngày...

Có thể nói, Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam là bước đột phá về tư duy, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ và là cơ sở để các bộ, ngành triển khai đề án cụ thể theo đặc thù của từng ngành. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Tổng cục Du lịch triển khai đề án Đề xuất một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch ban đêm trên địa bàn một số trung tâm du lịch, phù hợp với đặc điểm tình hình của du lịch địa phương và nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch đến từ các thị trường mục tiêu. Dự kiến, đề án sẽ được hoàn thành trong tháng 6-2021. “Đề án này sẽ định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm du lịch có tiềm năng khai thác ban đêm để phát triển thành các sản phẩm đặc trưng, làm tăng giá trị điểm đến. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ càng, không thể chủ quan hoặc phát triển một cách ồ ạt mà phải tính đến những tác động tích cực và tiêu cực khi triển khai đề án”, ông Siêu nói.

Nhiều năm qua, Hà Nội được công nhận là Thành phố Vì hòa bình, là điểm đến an toàn và thú vị. Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho rằng, Hà Nội luôn giữ vững an ninh trật tự là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã “ăn sâu, bén rễ” trong nhân dân. Nếu phát triển kinh tế ban đêm, lực lượng công an có thể vất vả hơn trong việc duy trì, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội, nhưng nếu đặt lợi ích chung của Thủ đô, của đất nước lên trên thì “được” vẫn nhiều hơn “mất”.

“Kinh tế ban đêm là đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Phát triển kinh tế ban đêm sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và đất nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, phát triển du lịch, giảm áp lực về giao thông ban ngày cùng nhiều lợi ích khác. Mặc dù phát triển kinh tế ban đêm có thể gia tăng tỷ lệ tội phạm nhưng nếu được hỗ trợ đầy đủ về lực lượng, tăng cường lắp camera giám sát an ninh tại các khu vực cùng sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, bổ sung lực lượng tự quản, lực lượng công an sẽ làm tốt việc duy trì, bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự đô thị. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu kỹ Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên cơ sở hài hòa lợi ích chung giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân, không để tồn tại bức xúc, mâu thuẫn về quyền lợi, môi trường sinh hoạt và môi trường kinh doanh...”, ông Đào Thanh Hải chia sẻ.

“Đánh thức” kinh tế ban đêm là bài toán không đơn giản trong bối cảnh dịch Covid-19 đang là mối lo thường trực, nhưng việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm đã cho thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trước yêu cầu phát triển và hội nhập. Kinh tế ban đêm ra đời và phát triển sẽ là “đòn bẩy” để kinh tế - xã hội, văn hóa và du lịch phát triển mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đánh thức” tiềm năng kinh tế ban đêm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.