(HNM) - Phát triển “kinh tế ban đêm” đã trở thành xu hướng của các nền kinh tế trên thế giới hiện nay. Đây cũng là chủ đề nhận được sự quan tâm lớn của các ban, ngành quản lý, nhà đầu tư và cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, cho đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu phát triển kinh tế ban đêm một cách toàn diện. Do vậy, Hà Nội đã triển khai Đề án khoa học “Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Hà Nội” nhằm làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về kinh tế ban đêm, từ đó đề xuất những giải pháp phù hợp.
Để đánh giá về sự cần thiết, tiềm năng, định hướng và điều kiện phát triển kinh tế ban đêm trên quy mô toàn thành phố, đánh giá được tác động của kinh tế ban đêm đến phát triển kinh tế - xã hội, qua đó đề xuất định hướng, giải pháp về lựa chọn mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với điều kiện của Hà Nội, Đề án khoa học “Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Hà Nội” (mã số 01X-10/07-2021-2) được tiến hành. Phạm vi không gian nghiên cứu tập trung vào các quận, huyện có tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Hà Đông và Gia Lâm.
Sau 2 năm nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học, đề án đã làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về kinh tế ban đêm, tổng quan về lý thuyết có liên quan đến kinh tế ban đêm. Theo Chủ nhiệm đề án, PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), hoạt động kinh tế ban đêm của Hà Nội gồm các hoạt động kinh doanh đặc thù về thương mại dịch vụ, du lịch. Phần lớn bắt đầu hoạt động từ 18h đến 24h, một số dịch vụ được thí điểm đến 2h sáng. Các hoạt động này góp phần đa dạng các hoạt động giải trí, thương mại cho địa phương, giải quyết việc làm cho lao động, tạo nguồn thu nhập cho nhiều cơ sở doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào ngành Du lịch, tăng nguồn thu cho Nhà nước. Hoạt động kinh tế ban đêm cũng tạo diện mạo mới về kiến trúc đô thị.
Trên cơ sở thực trạng và tác động, nhóm nghiên cứu đã đề xuất mô hình, định hướng quy hoạch phát triển các mô hình kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố. Theo đó, Hà Nội cần ưu tiên các loại hình dịch vụ phát triển ban đêm như: Dịch vụ vui chơi giải trí vào ban đêm (khu vui chơi giải trí, ngắm cảnh sông nước bằng tàu thuyền, xe điện, xích lô...); siêu thị, chợ đêm; nhà hàng, quán ăn đường phố; dịch vụ giải khát; các quán bar, vũ trường, làm đẹp... Về không gian, cần tập trung phát triển các địa bàn về kinh tế ban đêm đối với các quận, huyện, thị xã: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Sơn Tây, Sóc Sơn, Đông Anh. Tuy nhiên, mức độ tập trung phát triển và các loại hình phát triển kinh tế ban đêm của các khu vực là khác nhau, mức độ ưu tiên cũng khác nhau.
Nhóm nghiên cứu đã đề xuất 6 nhóm giải pháp cho phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn, bao gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển kinh tế ban đêm; tổ chức bộ máy quản lý phát triển kinh tế ban đêm (phân cấp, phân quyền....); nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế ban đêm; giải pháp về trật tự an toàn xã hội phục vụ phát triển kinh tế ban đêm; đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế ban đêm và các giải pháp khác có liên quan đến phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn.
Theo Tiến sĩ Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp thành phố, đề án luận giải các cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế ban đêm trong điều kiện toàn cầu hóa, kinh tế tri thức, kinh tế xanh và biến đổi khí hậu; đề xuất, làm rõ các chính sách phát triển kinh tế ban đêm. Đề án góp phần quan trọng trong việc xây dựng cơ sở khoa học cho việc xác lập các chính sách phát triển kinh tế ban đêm.
Bản dự thảo khung Đề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Hà Nội mà đề án đưa ra là căn cứ để UBND thành phố phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Kết quả nghiên cứu của đề án cũng là căn cứ để đưa ra các chính sách, các định hướng quy hoạch và giải pháp phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Kết quả này có thể áp dụng cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế ban đêm ở các đô thị lớn của Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.