(HNM) - Là xã có địa bàn rộng, chia làm hai khu rõ rệt bao gồm vùng chiêm trũng và vùng đồi gò núi cao, đồng đất không đều, ruộng bậc thang khiến năng suất, sản lượng cây trồng thấp. Để khắc phục những khó khăn trên, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ quyết tâm dồn điền đổi thửa (DĐĐT) hình thành những vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh lớn.
Mô hình trồng bưởi Diễn ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Đỗ Minh |
Mở đầu câu chuyện DĐĐT, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Huy Phong chia sẻ, Nam Phương Tiến là xã có địa hình đặc biệt được chia làm hai khu. Khu A là vùng đồng chiêm trũng gồm 4 thôn: Nhân Lý, Nam Hài, Hạnh Bồ và Hạnh Côn, hàng năm thường bị úng lụt. Đây cũng là khu chịu ảnh hưởng của vùng phân lũ, chậm lũ và lũ quét từ tỉnh Hòa Bình đổ về. Ngược với khu A, khu B lại là vùng đồi gò, núi đá vôi, ruộng bậc thang gồm 5 thôn. Tổng dân số xã có khoảng 1.919 hộ, đời sống chủ yếu làm nông nghiệp. Để khắc phục những hạn chế từ địa hình đồng đất, Nam Phương Tiến quyết tâm DĐĐT tạo điều kiện cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành những mô hình kinh tế hiệu quả cho thu nhập cao, ổn định.
Chương trình DĐĐT được Nam Phương Tiến triển khai từ năm 1997 đến năm 1998 đã có hai thôn dồn từ 7-8 thửa/hộ xuống còn 1-2 thửa/hộ. Số hộ dồn ô đã nhanh chóng hình thành các mô hình kinh tế hiệu quả, đời sống bà con có nhiều chuyển biến rõ rệt. Trước những lợi ích kinh tế từ DĐĐT, năm 1998, UBND xã Nam Phương Tiến quyết định DĐĐT lần hai ở các thôn còn lại. Sau khi phân vùng và định hướng phát triển từng khu vực, vận động bà con tự nhận ruộng để phát triển các mô hình sản xuất phù hợp, đến năm 2006, toàn xã có 8/9 thôn hoàn thành DĐĐT xuống còn 1-2 thửa/hộ. Tính tới thời điểm hiện nay, tổng diện tích đã DĐĐT là 418,71ha. "Riêng có thôn Núi Bé, ruộng bậc thang, diện tích ít xã đã quy hoạch mô hình trồng rau và cây ăn quả và tiếp tục hoàn thành DĐĐT trong năm 2012'' - Chủ tịch Nguyễn Huy Phong cho biết.
Sau khi DĐĐT, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn nhận các khu đồng khó canh tác, xây dựng một số mô hình như: lúa - cá - vịt; nuôi trồng thủy sản; trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm… Đến nay, ở những vùng trũng, đã có 20 hộ đầu tư đào ao thả cá kết hợp với chăn nuôi vịt đẻ với số lượng 3.000 con/hộ. Với vùng cao, xã định hướng các hộ dân chuyển sang trồng cây ăn quả như dự án phát triển cây bưởi Diễn. Hiện xã đã xây dựng vùng trồng bưởi Diễn tại khu vực đồi gò với diện tích 60ha, trong đó có 50ha đang thâm canh, 10ha đang ở giai đoạn chăm sóc. Dự kiến đến năm 2015, Nam Phương Tiến sẽ hình thành vùng trồng bưởi Diễn lớn nhất huyện với tổng diện tích 200ha. Theo Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng, mô hình trồng bưởi Diễn đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ 200 đến 400 triệu đồng/ha. Hiện xã đã nhờ các chuyên gia về phân tích chất đất, quy hoạch hệ thống thủy lợi, tưới tiêu, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến từng hộ dân để bà con có điều kiện mở rộng diện tích trồng bưởi.
Mô hình trồng lúa chất lượng cao cũng đang giúp bà con nơi đây vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, xã Nam Phương Tiến đã quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao 100ha với hai giống lúa chính là Bắc thơm và Hương thơm. Với 430ha đất chuyên trồng lúa và màu, xã Nam Phương Tiến phấn đấu đến năm 2015 giảm diện tích lúa chỉ còn 179ha, trong đó 100% diện tích lúa trồng giống chất lượng cao. Số diện tích còn lại sẽ xây dựng vùng sản xuất rau sạch với trên 20ha tại thôn Núi Bé; 50ha cây cảnh ở thôn Đông Nam và một phần thôn Đồng Mít. Diện tích còn lại sẽ quy hoạch phát triển các trang trại chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm với diện tích trung bình 5.000m2/trang trại. Nam Phương Tiến phấn đấu trở thành xã có nền nông nghiệp hiện đại kết hợp du lịch sinh thái, trở thành mô hình điểm của Thủ đô về nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.