(HNM) - Tình trạng suy giảm mực nước sông Hồng đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh, nhất là sản xuất nông nghiệp ở Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Đây không còn là vấn đề mới, đòi hỏi phải có sự tính toán khả thi của các cấp, các ngành...
Khó duy trì mực nước tối thiểu
Để bảo đảm nguồn nước phục vụ gieo cấy 630.000ha lúa đông xuân của 12 tỉnh, thành phố khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, hằng năm, Bộ NN&PTNT phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam thống nhất kế hoạch điều tiết, bổ sung nước từ các hồ chứa thủy điện cho hạ du sông Hồng. Tuy nhiên, tác động của con người và biến đổi khí hậu đã kéo theo sự thay đổi nguồn nước sông Hồng.
Thực tế mấy năm qua về mùa khô, tình trạng hạn hán xảy ra nghiêm trọng theo chiều hướng bất lợi. Mực nước sông Hồng tại Hà Nội duy trì ở mức thấp (+2,2m), nên gây khó khăn cho việc lấy nước phục vụ sản xuất. Nhiều thời điểm các nhà máy thủy điện chạy hết công suất nhưng các trạm bơm của Hà Nội như: Thanh Điềm, Liên Mạc, Đan Hoài… vẫn "treo máy" bởi không có nước để bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Mực nước sông Hồng xuống thấp đã ảnh hưởng tới sinh hoạt và sản xuất của vùng hạ du. Ảnh: Ngọc Thắng |
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hà Đức Trung cho biết, các hệ thống công trình thủy lợi lấy nước dọc sông Hồng xây dựng trước đây được thiết kế ở cao trình mực nước tương đối cao. Do vậy, trong các đợt hồ thủy điện xả nước, mực nước sông không đạt mức thiết kế dẫn đến hiệu suất lấy nước kém. Chẳng hạn như Trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây), thiết kế trước đây có cao trình 5,2m, trong khi mực nước sông Hồng thường xuyên chỉ đạt 4,8m nên không phát huy hiệu quả.
Cảnh ngộ trên xảy ra ở nhiều địa phương dọc lưu vực sông Hồng khiến sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng lớn. Nhất là vào các tháng mùa khô, việc lấy nước vào kênh mương nội đồng không thể thực hiện được. Có nhiều nguyên nhân khiến mực nước sông Hồng bị hạ thấp, đó là sự xói lở lòng sông, do khai thác cát... Theo tính toán, hằng năm khoảng 33 triệu mét khối cát được khai thác khiến lòng sông Hồng bị hạ thấp đáng kể. Mặt khác, lượng mưa ở Bắc Bộ thời gian qua ít, trong khi nắng nóng kéo dài, như mùa mưa lũ năm 2016, lượng mưa thấp hơn so với trung bình nhiều năm... nên mức nước sông càng thấp. Một số vùng thiếu nước trồng lúa, nhân dân các địa phương phải chuyển đổi cây trồng, mùa vụ. Vì thế, bảo đảm đủ nguồn nước cho phát triển bền vững dọc lưu vực sông Hồng là vấn đề được quan tâm.
Cần có giải pháp căn cơ
Theo GS.TS Hà Văn Khối, nguyên giảng viên Trường Đại học Thủy lợi, giải pháp quan trọng là việc quản lý vận hành của các hồ chứa thượng nguồn để giảm thiểu mức độ xói lở lòng sông Hồng. Đồng quan điểm này, PGS.TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết: Vấn đề lớn của thủy lợi Việt Nam, đặc biệt sông Hồng là sự biến đổi lòng dẫn nước trên các sông. Các công trình thủy lợi, hệ thống trạm bơm, hệ thống đập trên địa bàn Hà Nội thiếu đồng bộ không còn phù hợp với hiện trạng mực nước trên sông Hồng, do đó cần khẩn trương xây dựng mới hoặc cải tạo các trạm bơm dã chiến bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, việc mực nước sông Hồng hạ thấp trong những năm qua đã tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Do vậy, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam khẩn trương rà soát lại số liệu cụ thể xói lở và tình hình khai thác cát để báo cáo Chính phủ, Bộ NN&PTNT.
Đặc biệt, các nhà khoa học cần tham mưu về các quyết sách trong khai thác cát và vận hành các hồ chứa nước thủy điện; tiếp tục nạo vét những nơi có lòng sông bồi lắng cản trở dòng chảy, đồng thời tái tạo cát nạo vét đưa vào những vùng bị xói lở lòng sông, nâng đáy, dâng nước; phân vùng nghiên cứu các công trình điều tiết dòng chảy và tính toán thủy lực hệ thống các công trình điều tiết nước vùng hạ du sông Hồng chính xác để có các giải pháp phục vụ phát triển bền vững, chủ động nguồn nước sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.