(HNM) - Hà Nội hiện có 275.150 cựu chiến binh, trong đó có khoảng 35.000 thương binh. Nhiều năm qua, cựu chiến binh luôn là lực lượng nòng cốt trong nhiều lĩnh vực, từ phát triển kinh tế đến xây dựng hệ thống chính trị, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, được Đảng tin, dân mến...
Không khuất phục đói nghèo
Từng tham gia vào nhiều trận chiến bảo vệ Tổ quốc, khi trở về quê hương, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh (CCB) thôn Thanh Hội, xã Trung Tú (Ứng Hòa) Đỗ Hồng Kỳ không chịu khuất phục trước cái đói, cái nghèo. Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng được coi là vùng đất “chiêm khê, mùa thối” của xã, ông Kỳ cho biết, Trung Tú là “rốn nước” của cả vùng.
Trước đây, cánh đồng rộng hàng trăm héc ta chỉ cấy lúa, cho thu nhập bấp bênh. Năm 2004, xã triển khai dồn điền, đổi thửa, những CCB, thương binh thôn Thanh Hội xung phong nhận các thửa ruộng xa nhất, xấu nhất để sản xuất. Khắc phục khó khăn, họ đã cùng nhau góp tiền, góp công mở đường ra đồng và đến nay, khu đồng đã trở thành vùng sản xuất cho hiệu quả cao.
Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương (xã Di Trạch, Hoài Đức) do CCB Nguyễn Duy Hồng làm Tổng Giám đốc giúp nhiều lao động địa phương có việc làm ổn định. Ảnh: Bá Hoạt |
Vượt lên những khó khăn do sức khỏe giảm sút sau khi rời quân ngũ, cùng sự hỗ trợ của gia đình và tổ chức Hội, CCB Tạ Đắc Nhiệm (xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ) đã mạnh dạn nhận thầu 25 mẫu đất công thuộc đồng trũng, khó canh tác rồi thuê máy vực đất, đắp bờ, dựng trang trại. Trải qua bao cực nhọc, đến nay mỗi năm, vườn trại giúp ông có thu nhập từ 300 đến 350 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, nhiều CCB đã phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực đóng góp cho những công việc chung của địa phương, đặc biệt là công cuộc xây dựng nông thôn mới. Thống kê của Hội CCB Hà Nội cho thấy, toàn thành phố có 8.948 hội viên CCB, thương binh tham gia vào các ban, tiểu ban xây dựng nông thôn mới từ huyện đến cơ sở.
Tận tâm với cộng đồng, trách nhiệm với xã hội, nhiều CCB đã có nghĩa cử cao đẹp, sẵn sàng hiến đất cho địa phương làm các công trình phúc lợi như: CCB Đinh Công Hỏa (xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức) hiến 170m2 đất; CCB Kiều Văn Nghiệp (xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai) hiến 970m2… Hội CCB xã Thanh Đa (Phúc Thọ) xây dựng 8 con đường CCB tự quản, vận động hội viên nhân dân góp ruộng, xây dựng cánh đồng mẫu lớn thành công…
Bên cạnh những mô hình thành công từ đồng đất, TP Hà Nội còn xuất hiện những CCB làm chủ doanh nghiệp sản xuất hiệu quả như: CCB Nguyễn Duy Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương (xã Di Trạch, huyện Hoài Đức); CCB Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ và Thương mại Lộc Hà (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây); CCB Trần Văn Định (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất)… Đặc biệt, những CCB này còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Gương mẫu trong mọi hoạt động
Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Ứng Hòa Lưu Tiến Hy cho biết, các CCB, thương binh là những người có uy tín được dân quý, dân yêu nhất. 5 năm qua, cán bộ, hội viên Hội CCB huyện Ứng Hòa đã đi đầu vận động nhân dân đóng góp 7.500 ngày công, hơn 550 triệu đồng để xây dựng đường làng, ngõ xóm; hiến gần 3.000m2 đất, trong đó có hàng trăm mét vuông đất thổ cư để làm các công trình phúc lợi.
Theo Chủ tịch Hội CCB TP Hà Nội Lê Minh Cược, CCB, thương binh thành phố đã đi đầu trong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và Thành ủy; tích cực tham gia phong trào thi đua. Đã có hơn 45.300 lượt hội viên CCB hiến 1,793 triệu mét vuông đất để làm đường và xây dựng công trình phúc lợi, cùng 129 tỷ đồng và 509.000 ngày công. Với 1.550 cán bộ, hội viên tham gia Ban Thanh tra nhân dân, 2.305 cán bộ, hội viên tham gia Ban Giám sát cộng đồng… đã kiến nghị, thu hồi cho Nhà nước hàng trăm nghìn mét vuông đất và trên 10 tỷ đồng, giúp các công trình phúc lợi được xây dựng với chất lượng tốt nhất.
Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh vai trò của tổ chức Hội là “điểm tựa” vững chắc cho hội viên và góp phần tích cực vào xây dựng, phát triển Thủ đô, Chủ tịch Hội CCB TP Hà Nội Lê Minh Cược cho biết: Các cấp Hội đã có nhiều biện pháp xây dựng Hội kết hợp cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, khắc phục dần tình trạng “hành chính hóa” công tác hội.
Đặc biệt, đề cao tính gương mẫu, nhiều CCB, thương binh còn hỗ trợ lực lượng chức năng thực hiện những việc phức tạp như: Giải phóng mặt bằng, giữ gìn trật tự văn minh đô thị, hòa giải mâu thuẫn trong khu dân cư…, xứng đáng với truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ".
Cùng với đó, lãnh đạo Hội CCB các cấp luôn tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Hội đã phát huy tốt vai trò trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở về công tác giám sát, phòng chống quan liêu, tham nhũng và lãng phí; thẳng thắn, chân thành góp ý với chính quyền các cấp những nội dung liên quan đến quản lý, điều hành và các giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, giải phóng mặt bằng, giải tỏa các vụ khiếu kiện đông người…
Mới đây, tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TƯ ngày 8-1-2002 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCB Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới”, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã biểu dương đóng góp của các cấp Hội CCB thành phố trong thời gian qua và mong muốn Hội CCB tiếp tục tuyên truyền, vận động CCB phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong xây dựng và phát triển Thủ đô.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền thành phố phối hợp với Hội CCB cùng cấp xây dựng chương trình, đề án, tạo điều kiện để CCB phát huy hơn nữa vai trò phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tham gia giám sát, phản biện xã hội; đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí; tích cực tham gia hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở… Hội CCB các cấp cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên để đề xuất với cấp ủy, chính quyền có giải pháp thực hiện hiệu quả, kịp thời đối với công tác CCB, góp phần vào sự phát triển của Thủ đô nghìn năm văn hiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.