(HNM) - Kinh tế khó khăn, lãi suất ngân hàng cao, năng lực quản trị yếu thì doanh nghiệp (DN) bị thua lỗ phải dừng hoạt động hoặc giải thể là quy luật tất yếu.
Nhưng con số hơn 50.000 DN làm ăn thua lỗ, thậm chí phá sản trong năm 2011 (Hà Nội có 3.000, TP Hồ Chí Minh có 1.600) là thông tin khiến nhiều người lo ngại. Riêng tại Hà Nội hai tháng đầu năm 2012, số DN giải thể phá sản tăng đột biến, với 169 DN xin giải thể, gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Sự thực thì con số 50.000 DN phá sản chưa phải là điều đáng bi quan khi cả nước đang có tới 600.000 DN và mỗi năm con số này vẫn tăng thêm khoảng gần 100.000. Và như đã nói thì việc giải thể là tất yếu, nó như một sự thanh lọc, đào thải trong một cơ thể sống. Nhưng khi sự đào thải ấy bất thường thì lại là điều cần xem xét. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến "làn sóng" giải thể chính là vốn. Vốn với DN cũng như máu trong cơ thể. Thiếu máu thì cơ thể sẽ chết. Tuy nhiên trong suốt một thời gian dài, nguồn "máu" cấp cho DN liên tục bị đe dọa tắc nghẽn bởi cơn lốc lãi suất. Đến nay tình hình vẫn chưa có dấu hiệu khả quan, dừng ở mức trên dưới 20%. Mới đây, hàng loạt ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất cho vay. Thế nhưng DN vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, thực tế chỉ có một lượng rất nhỏ DN vay được tiền từ ngân hàng.
Một việc khác có liên quan. Những ngày qua, liên tục có thông tin về việc các tập đoàn nhà nước lần lượt ký cam kết thực hiện cắt giảm chi tiêu. Đây chính là sự "thắt lưng buộc bụng" trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Số tiền "tiết giảm" của mỗi tập đoàn có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng, thực hiện chủ trương của Chính phủ về cắt giảm chi phí không cần thiết trong sản xuất kinh doanh.
Cũng dễ thấy đó là con đường bắt buộc đối với mỗi DN trong thời điểm này. Chẳng phải chỉ DN nhà nước, mà cả các DN dân doanh, hoặc so sánh với nước ngoài thì điều ấy cũng là tất yếu. Nhưng đằng sau sự tiết giảm ấy cho thấy một điều rằng, với DN dân doanh thì việc tiết kiệm là việc phải làm thường xuyên, hằng ngày. Càng khó khăn càng phải tiết kiệm. Còn với DN nhà nước thì có lẽ đây được xem là "sự kiện" nên khi triển khai đều được báo chí thông tin khá chi tiết, rầm rộ với những lễ ký kết, với những con số mục tiêu rất "khủng". Đó là kỳ vọng. Nhưng cũng cần thấy rằng, tiết giảm không thể chỉ đơn thuần là cắt chỗ này, giảm thứ kia, thậm chí cắt cả lương nhân công. Quan trọng là phải tăng lợi ích, tăng lợi nhuận ở mức cao nhất, mà chi phi sản xuất ở mức thấp nhất. Tức là quản lý chi phí, giá thành và quản trị DN ở mức tốt nhất. Bài học từ Tập đoàn Dệt may cũng đã khẳng định điều này. Năm 2011, doanh thu của Tập đoàn đạt hơn 35.000 tỷ đồng. Với các giải pháp đổi mới công tác quản lý sản xuất nhằm tăng năng suất lao động và tiết kiệm chi phí, Tập đoàn đã tiết kiệm chi phí được 741 tỉ đồng. Một con số không nhỏ, trong khi dệt may vẫn là ngành mà đời sống công nhân còn nhiều khó khăn. Tiết giảm chi phí (5%), nhưng ngành dệt may vẫn cam kết năm 2012 tăng 15% lương cho người lao động.
Như ở dẫn chứng trên, việc vay được đồng vốn ở thời điểm hiện tại đang là mơ ước của rất rất nhiều DN, nhất là với khối dân doanh. Với các tập đoàn, DN nhà nước, chuyện vốn dường như đã được ưu ái hơn rất nhiều, vấn đề còn lại ở chỗ phải quản trị ra sao, giảm những chi phí nào, cách nào để tăng hiệu quả kinh doanh và bảo đảm là giảm thật, tiết kiệm thật và lãi thật. Xin nhắc lại một số liệu của Tổng cục Thống kê, DNNN phải sử dụng 2,2 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu, trong khi DN FDI chỉ cần 1,3 đồng vốn và DN ngoài quốc doanh là 1,2 đồng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.