(HNM) - Từ nay tới ngày 31-7, các thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2019. Phổ điểm của kỳ thi cho thấy khả năng điểm chuẩn của nhiều ngành năm nay tăng hơn năm 2018, kéo theo sự băn khoăn của không ít thí sinh về việc có nên điều chỉnh nguyện vọng và điều chỉnh thế nào để không bị trượt. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An, nắm vững nguyên tắc xét tuyển là điều thí sinh cần nhớ để tăng cơ hội trúng tuyển.
Nhiều trường dự kiến tăng điểm chuẩn
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định, phổ điểm của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay cho thấy điểm trung bình các môn thi cao hơn năm trước, hầu hết các môn đều có mức điểm trung bình trong khoảng từ 5 đến 6 điểm, tỷ lệ thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên chiếm 75%... Những căn cứ này dự báo điểm chuẩn của các trường sẽ tăng hơn so với năm trước.
Theo thông tin các trường đã công bố, điểm sàn của nhiều trường đều tăng so với năm 2018 và dự báo điểm chuẩn cũng sẽ cao hơn. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, điểm chuẩn của trường có khả năng cao hơn năm trước từ 1 đến 3 điểm, tùy từng ngành. Một số ngành dự kiến có mức tăng cao là y khoa, y học cổ truyền, răng - hàm - mặt, y học dự phòng... Mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển của các ngành này là 21 điểm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng nhận định, năm nay điểm chuẩn vào trường có thể dao động từ 19 đến 28 điểm. Một số ngành dự kiến tăng từ 1 đến 3 điểm so với năm trước.
Trong khi đó, theo thông tin từ Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, điểm chuẩn vào các ngành có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển như kinh doanh quốc tế, kinh tế quốc tế, kế toán, quản trị kinh doanh... dự kiến sẽ tăng so với năm 2018 từ 1 đến 2 điểm. Mức điểm chuẩn cao nhất có thể lên tới 26,5 điểm.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An cho hay, ngoài phổ điểm thi, điểm chuẩn vào từng trường còn phụ thuộc nhiều yếu tố như số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, yêu cầu về chất lượng nguồn tuyển... Do vậy, có thể xảy ra hiện tượng, ở cùng một trường, một số ngành có mức điểm chuẩn tăng, nhưng cũng có ngành giữ nguyên mức điểm chuẩn như năm trước hoặc giảm.
Thí sinh cần cân nhắc kỹ
Diễn biến về điểm chuẩn dự kiến của nhiều trường kéo theo sự băn khoăn của không ít thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm năm nay.
Em Nguyễn Thị Tuyết Linh, Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng, quận Ba Đình và nhiều thí sinh khác băn khoăn: Số lượng thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển năm trước khá nhiều. Vậy, trong trường hợp nào thì cần điều chỉnh nguyện vọng và nên điều chỉnh thế nào để chắc chắn trúng tuyển?
Chung nỗi băn khoăn, Nguyễn Hương Lan, Trường Trung học phổ thông Thạch Thất (huyện Thạch Thất) cũng thắc mắc: Em đăng ký 5 nguyện vọng. Trước khả năng điểm chuẩn của nhiều ngành năm nay sẽ tăng hơn, em có nên đăng ký thêm nguyện vọng không?
Giải đáp những băn khoăn trên của thí sinh, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, so với lần đăng ký nguyện vọng xét tuyển đầu tiên vào tháng 4-2019 (khi chưa diễn ra kỳ thi trung học phổ thông quốc gia), việc được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển lần này có lợi thế là thí sinh đã biết điểm thi.
Nếu thí sinh có mức điểm đạt được cao hơn hoặc thấp hơn điểm số mong muốn, thì nên điều chỉnh; trong trường hợp điểm số đạt tương đương mức điểm mong muốn ban đầu, thì không cần thiết phải điều chỉnh nguyện vọng.
Là người làm công tác tư vấn tuyển sinh nhiều năm nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân lưu ý: Ngoài điểm số của mình, thí sinh cần tham khảo thêm phổ điểm, điểm chuẩn các năm trước của ngành mà mình đã đăng ký. Thí sinh nên chọn và đăng ký từ 6 đến 9 nguyện vọng, chia theo 3 nhóm ngành tương ứng với nhóm có điểm chuẩn cao, nhóm có điểm chuẩn ở mức trung bình và nhóm có điểm chuẩn ở mức thấp so với điểm thi của mình.
Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin thêm, để bảo đảm cơ hội trúng tuyển, thí sinh lưu ý nguyện vọng cuối cùng nên chọn ngành có điểm chuẩn ở những năm trước thấp hơn điểm thi của mình ít nhất 2 điểm.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An lưu ý, thí sinh không nên quá căng thẳng, vì cơ chế xét tuyển cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng. Tuy nhiên, thí sinh cũng không nên đăng ký quá nhiều, điều quan trọng nhất là các em phải chọn được ngành mà mình yêu thích và phù hợp với điều kiện và năng lực nhất để xác định thứ tự ưu tiên.
Năm nay, cả nước có hơn 653.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng (chiếm 74% số thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia) với hơn 2,5 triệu nguyện vọng vào các ngành đào tạo. Tổng số cơ sở có tuyển sinh các trình độ đào tạo đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm là 367, với tổng chỉ tiêu là gần 490.000 sinh viên, tăng 7% so với năm 2018. Năm 2018, có 44% số thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.