Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đăng ký nuôi con nuôi: Ngại thủ tục vì sợ lộ đời tư?

Hà Phong| 03/05/2014 06:03

(HNM) - Chỉ còn hơn một năm nữa để các gia đình nuôi con nuôi đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để được pháp luật công nhận nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, ngăn ngừa những tranh chấp phát sinh. Tuy vậy, tình trạng nuôi con nuôi chưa đăng ký với cơ quan chức năng vẫn phổ biến.


Luật Nuôi con nuôi quy định, việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực (từ ngày 1-1-2011) mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 5 năm (từ ngày 1-1-2011 đến 31-12-2015). Nếu hết thời hạn này mà người nuôi con nuôi không đăng ký, sẽ không có cơ sở để giải quyết các tranh chấp liên quan đến cha mẹ nuôi, con nuôi, giữa con nuôi với các thành viên khác trong gia đình, khó xử lý các quan hệ dân sự có thể phát sinh sau này. Theo Bộ Tư pháp, dù hồ sơ nhận nuôi con nuôi khá đơn giản, chỉ gồm các giấy tờ như: Đơn xin nhận con nuôi; bản sao hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân, phiếu lý lịch tư pháp; văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân, văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở… nhưng lượng người kê khai rất ít. Số trường hợp nhận nuôi con nuôi đủ điều kiện nhưng chưa đăng ký là 3.264 trường hợp; trong đó, đa phần là do cha mẹ nuôi/con nuôi không muốn đăng ký (1.824 trường hợp, chiếm 56%); còn lại là do có khó khăn về hồ sơ, giấy tờ…

Ảnh minh họa



Theo Cục trưởng Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Bình, nhận thức về việc nhận con nuôi vẫn thiên về lợi ích của người nhận con nuôi như: "Để có nếp, có tẻ", có người nhờ cậy và nương tựa khi về già… Cũng vì tâm lý này nên phần lớn không đăng ký việc nuôi con nuôi để xác lập quan hệ cha mẹ và con. Đáng lưu ý, hiện tượng "mua" trẻ em về làm "con nuôi" ngày càng nhiều. Cục Con nuôi đã nhận được văn bản của một số sở tư pháp phản ánh tình trạng người dân ở các tỉnh lân cận TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ra thành phố xin trẻ em (có kèm theo khoản tiền bồi dưỡng) của những người mẹ độc thân hoặc có người thân giới thiệu đến bệnh viện nhận trẻ em bị bỏ rơi về nuôi. Đến khi cần cho trẻ em đi học thì người nhận mới đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị đăng ký con nuôi, đăng ký khai sinh, nhưng cơ quan có thẩm quyền không thực hiện được, vì không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh nhân thân của trẻ.

Lại có một số trường hợp lợi dụng việc cho con nuôi để sinh con thứ ba; nhận con nuôi để trốn thi hành hình phạt tù; lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc ít người để hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước... Đến nay, cả nước đã thu hồi 60 giấy chứng nhận nuôi con nuôi vì những lý do này.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, ngoài các lý do trên, còn rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm đăng ký nuôi con nuôi. Trường hợp cố tình lách luật hay mua bán, bắt cóc trẻ em không phổ biến. Tâm lý chung của các gia đình nhận nuôi con nuôi là không muốn trẻ biết mình là con nuôi rồi lại nảy sinh tâm lý mặc cảm hoặc sợ khi khai báo sẽ làm lộ bí mật đời tư, khiến con nuôi không yên tâm "nối dõi tông đường".

Cũng trong hoàn cảnh nhận nuôi con nuôi mà chưa đăng ký nhưng lý do của chị Nguyễn Thị H. (ở Lào Cai) lại khác hẳn. Theo chị H., thủ tục nuôi con nuôi tuy không nhiều nhưng quá phức tạp. Chị cho biết, Điều 17 Luật Nuôi con nuôi quy định người nhận con nuôi phải có phiếu lý lịch tư pháp và giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp. Quy định này đã gây khó khăn rất lớn cho những người nhận con nuôi ở vùng sâu, vùng xa vì thủ tục rườm rà, thời gian giải quyết thường xuyên bị kéo dài so với luật định. Cũng vì quy định này mà nhiều người ngại đi xin cấp phiếu lý lịch tư pháp và đi khám sức khỏe, cứ đem trẻ về nuôi dưỡng, coi nhau như cha mẹ con mà không tiến hành đăng ký tại cơ quan thẩm quyền. "Cần nghiên cứu bỏ quy định tại khoản 3 Điều 17, thay thế bằng văn bản xác nhận của UBND cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi sẽ vừa tiện cho công tác thực hiện, vừa thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát, quản lý nhà nước" - chị Nguyễn Thị H. kiến nghị.

Phản ánh của một số địa phương còn cho thấy, việc đăng ký con nuôi thực tế còn nhiều khó khăn do cha mẹ đẻ đi làm ăn xa, nhiều trẻ bố mẹ đã mất, cha mẹ nuôi và con nuôi cách nhau dưới 20 tuổi nên không có đủ điều kiện đăng ký. Do đó, để ngày càng nhiều người đăng ký nuôi con nuôi là không đơn giản. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và có những đặc thù riêng. Nếu không nghiên cứu đổi mới quy trình đăng ký nuôi con nuôi trên cơ sở tôn trọng ý chí, nguyện vọng và quyền lợi của người dân, xét đến các yếu tố lịch sử để có cách giải quyết linh hoạt sẽ khó bảo đảm việc người nuôi con nuôi tuân thủ pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đăng ký nuôi con nuôi: Ngại thủ tục vì sợ lộ đời tư?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.