Theo Bộ Tư pháp, thực tiễn công tác giải quyết nuôi con nuôi trong thời gian qua phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần khắc phục thông qua việc hướng dẫn cụ thể một số điều, khoản của Luật Nuôi con nuôi và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP và Nghị định số 24/2019/NĐ-CP.
Những vướng mắc cụ thể liên quan đến: Tìm người nhận con nuôi đối với trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi đang sống ngoài cộng đồng, trẻ em sống ở cơ sở nuôi dưỡng; thay đổi, bổ sung hộ tịch của con nuôi; hồ sơ của người nhận con nuôi; thông báo tình hình phát triển của con nuôi trong nước trong trường hợp cha, mẹ nuôi thay đổi nơi cư trú; lấy ý kiến đồng ý về việc cho trẻ em làm con nuôi trong một số trường hợp đặc biệt…
Căn cứ tính chất quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 58/NQ và Quyết định số 1015/QĐ-TTg và những văn bản khác có liên quan trong lĩnh vực nuôi con nuôi, đồng thời, để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn như đã nêu trên, Bộ Tư pháp thấy rằng, việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21-3-2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 5-3-2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21-3-2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi là cần thiết.
Theo hướng đi này, sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư trong lĩnh vực nuôi con nuôi, đảm bảo ứng dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính về nuôi con nuôi trên môi trường mạng; thực hiện phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực nuôi con nuôi; tạo sự thống nhất giữa quy định pháp luật về nuôi con nuôi với quy định pháp luật có liên quan…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.