(HNM) - Bên cạnh thành tích, huyện Sóc Sơn đã xảy ra sai phạm đáng tiếc của một số tập thể, cá nhân đảng viên trong quá trình dồn điền, đổi thửa nói riêng và công tác quản lý đất đai nói chung.
Cấp ủy địa phương lạm quyền
Việc chi bộ thôn liều lĩnh ra nghị quyết, lạm quyền tự ý bán đất công dường như đã trở thành câu chuyện của cả chục năm trước. Nhưng thực tế vẫn diễn ra tại Sóc Sơn ở ngay thời điểm năm 2012. Chi bộ thôn Trung Kiên, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn đã tự ý ra Nghị quyết "Quản lý giao thầu đất ao hồ, hoang hóa, nhằm thu hút tiền của nhân dân để xây dựng và giao cho cấp ủy, trưởng thôn, các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện". Sau đó, 4 cán bộ thôn trực tiếp thực hiện việc đo đạc, bán trên 1 vạn mét vuông đất, thu 1,2 tỷ đồng, rồi sử dụng tiền thu được sai quy định dẫn đến việc bị bắt giam và chịu trừng phạt của pháp luật.
Trong công tác dồn điền đổi thửa, một số tập thể, cá nhân đảng viên đã có những sai phạm trong quá trình thực hiện. Ảnh: Chí Đạo |
Cùng thời gian với vụ việc trên, tại xã Bắc Phú, qua kiểm tra đã phát hiện 13/14 hợp đồng cho thuê đất sai quy định. Sự việc đã khiến công tác dồn điền, đổi thửa trên địa bàn bị đình trệ và một số hệ quả chưa thể giải quyết dứt điểm trong ngày một ngày hai.
Những vụ việc trên chưa kịp nguội, những sai phạm liên quan đến dồn điền, đổi thửa lại xảy ra ở xã Kim Lũ. Bước đầu, nguyên nhân đã được xác định là do sự nóng vội, "không lượng được sức mình" (theo như lời Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Nguyệt) của Đảng ủy xã. Thông tin từ người dân cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện, các tiểu ban dồn điền, đổi thửa ở các thôn đã thu tiền với danh nghĩa "tự nguyện hỗ trợ giải phóng mặt bằng" của các hộ dân. Những hộ đóng nhiều tiền thì được chia ruộng ở các khu đồng đẹp thuận tiện canh tác và ngược lại... Vụ việc đáng tiếc ở Kim Lũ khiến hàng chục héc ta đất bị bỏ hoang, bức xúc dư luận. Để khắc phục, Huyện ủy đã chỉ đạo thuê máy cày ruộng, cấy giúp các hộ dân nhằm tránh bỏ hoang ruộng đất. Dù đã cử luân phiên 50 cán bộ huyện xuống hỗ trợ địa phương, nhưng đến nay, những khúc mắc ở Kim Lũ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hiện nay, Huyện ủy đã lên kế hoạch kiểm tra Đảng ủy xã Kim Lũ để làm rõ những dấu hiệu vi phạm. Rất có thể, một số cán bộ, đảng viên ở đây sẽ phải đối diện với những hình phạt nghiêm khắc.
Cảnh báo về chất lượng cán bộ cơ sở
Trong năm 2012, đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2013, Huyện ủy Sóc Sơn đã chú trọng đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, tập trung vào một số lĩnh vực "nhạy cảm", trong đó có đất đai. Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh cho biết, năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, các tổ chức đảng của huyện đã thi hành kỷ luật 53 đảng viên. Trong đó có 13 người thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, 1 người thuộc diện Thành ủy quản lý. Trong thời gian này, Huyện ủy cũng đã thi hành kỷ luật Đảng ủy xã Bắc Sơn, Đảng ủy xã Tân Dân và cả Chi ủy thôn Trung Kiên, xã Trung Giã đề cập ở trên... Hầu hết những đảng viên hoặc tổ chức đảng bị kỷ luật đều liên quan đến công tác quản lý đất đai.
Đối với Sóc Sơn, số lượng đảng viên giữ chức vụ bị kỷ luật hai năm qua là nhiều nhất trong những năm gần đây. Dẫu vậy, huyện khó có thể hài lòng với công tác kiểm tra, phòng ngừa, bởi những sai phạm tương tự có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Theo tính toán, nếu trừ đi diện tích đã được quy hoạch làm trường học, nhà văn hóa và một số công trình khác, Sóc Sơn còn khoảng 2.000ha cần phải tiếp tục dồn điền đổi thửa. Phần lớn diện tích này rơi vào 8 xã có đảng bộ được cho là còn yếu về công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Trong khi đó, lãnh đạo huyện khẳng định, chưa thể bố trí cán bộ thay thế ngay. Bên cạnh đó, hàng nghìn héc ta đất rừng chưa thể đo đạc và cấp "sổ đỏ" tiếp tục là thách thức trong công tác quản lý, nhất là khi đây là khu vực thường xuyên phát sinh những sai phạm về đất đai.
Thực tế trên đòi hỏi Huyện ủy Sóc Sơn không chỉ tập trung làm tốt công tác kiểm tra khi có dấu hiệu sai phạm trong quản lý đất đai, mà cần triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, tập trung vào việc phòng ngừa sai phạm của các cấp ủy, đảng viên trong quản lý và sử dụng đất đai ở khu vực nông thôn. Cùng với đó, huyện phải nâng cao trình độ, kiến thức cho đội ngũ cán bộ cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đây cũng là cảnh báo không phải của riêng địa phương này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.