Kiến trúc có trách nhiệm xã hội là một khái niệm rộng nhưng có thể nhìn thấy rõ qua sự sáng tạo, thực hành của kiến trúc sư (KTS) cùng nhiều bên, liên quan đến sự ra đời của một công trình.
Trách nhiệm xã hội còn thể hiện ở việc hướng những thực hành kiến trúc đến những người dân gặp nhiều khó khăn, những cộng đồng yếu thế, “nhằm đáp ứng các hoạt động sống thiết thực; cải thiện chất lượng cuộc sống và bù đắp những thua thiệt về kinh tế, văn hóa - xã hội cho họ”. Đó cũng là hướng đi tích cực, mang đến những trải nghiệm và cơ hội, mở rộng biên độ sáng tạo cho những nhà thiết kế.
Những người dám làm
Nhà vệ sinh trông giống như một cái cây lớn mọc trên sườn đồi, được tính toán kỹ lưỡng về ánh sáng, kết cấu chịu lực; cộng thêm lớp màng thực vật bốn phía trên mặt đứng và vườn bậc thang xung quanh tựa như một vườn treo thu nhỏ... Đó là công trình do KTS Đoàn Thanh Hà và các đồng nghiệp tại Văn phòng Kiến trúc H và P thiết kế và tự bỏ chi phí thi công cách đây 10 năm, tại Trường Tiểu học Sơn Lập (xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) - nơi không có điện lưới và sóng điện thoại. Thiết kế khu vệ sinh dành cho trẻ em vùng cao này khiến nhiều người bất ngờ, bởi đã xóa tan những ám ảnh, thay đổi cách nhìn của các thế hệ khi nhớ về nhà vệ sinh trường học.
Công trình này không chỉ lọt “mắt xanh” của ban giám khảo các cuộc thi thiết kế uy tín quốc tế mà trên hết, nó thể hiện trách nhiệm xã hội của KTS sau những tìm hiểu, thâm nhập thực tế và thấu hiểu nhu cầu thiết thực của người dân. TS.KTS Nguyễn Trí Thành, Phó Trưởng khoa Kiến trúc (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội), cố vấn thiết kế công trình cho biết: “Đoàn Thanh Hà thường tìm những địa điểm khó khăn. Anh ấy biết sẽ gặp nhiều trở ngại, nhưng nếu không thử làm thì sao biết nó tắc ở đâu”.
Sau công trình Vườn vệ sinh 1 tại Cao Bằng, KTS Đoàn Thanh Hà nhận được lời mời hợp tác từ UNICEF trong dự án tương tự ở Trường Tiểu học Ta Ma (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên). Nhờ sự tài trợ từ UNICEF, khu vườn vệ sinh ở đây đã đạt đến chuẩn chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế. Khi thực hiện dự án này, KTS Đoàn Thanh Hà đã nhận được sự ủng hộ, tuy cũng có những ý kiến hoài nghi: “Những việc liên quan đến cộng đồng yếu thế cần có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, cộng đồng, kể cả khung pháp lý. Riêng về khung pháp lý, Vườn vệ sinh là công trình không có trong một văn bản quy phạm pháp luật nào, bởi nó là một công trình có tính chất hoàn toàn mới, bao gồm vệ sinh, tắm, giặt, rửa. Khi đi xin giấy phép, chúng tôi được hỏi nó thuộc hạng mục nào? Tại sao đang bê tông hóa toàn bộ mà lại đưa tranh, tre, nứa lá vào?... Đó là những quy định rập khuôn, máy móc”.
Những năm gần đây, các công trình thiết kế trường học, nhà cộng đồng của KTS Hoàng Thúc Hào thu hút sự chú ý của nhiều người bởi sự hấp dẫn về mặt hình ảnh, không chỉ hướng đến người dân bản địa mà còn thu hút khách du lịch. Từ công trình Nhà cộng đồng thôn Suối Rè (xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) do anh và các cộng sự tại Văn phòng kiến trúc 1+1 > 2 tự bỏ tiền làm với mục đích tạo dựng không gian sinh hoạt văn hóa cho đồng bào dân tộc Mường và một phần nhằm mang dự án dự thi ở nước ngoài, KTS Hoàng Thúc Hào nhận được sự chung tay của các mạnh thường quân, từ đó thiết kế và xây dựng nên các công trình như Nhà cộng đồng Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai), Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam); sau đó là các công trình trường học cho trẻ em vùng cao…
“Tôi ấp ủ làm kiến trúc nông thôn và kiến trúc cộng đồng từ thời sinh viên. Tác phẩm kiến trúc phải có sự đầu tư, có đơn đặt hàng chứ không dừng lại là bản vẽ trên giấy. Vì thế, tôi chọn công trình nhỏ nhưng có ý nghĩa văn hóa - xã hội đủ lớn” - KTS Hoàng Thúc Hào chia sẻ.
Phong trào xã hội
Kiến trúc có trách nhiệm xã hội là cái gốc nhân văn của người hành nghề KTS. Những năm gần đây, chúng ta nghe nhiều đến các công trình mang tính tích cực mà giới KTS hướng đến - những công trình phục vụ cộng đồng, như nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng, các công trình dành cho người dân ở nông thôn... Một số KTS tham gia thiết kế các công trình nhà trẻ, lớp mẫu giáo, trường học cho trẻ em nghèo vùng cao…, tạo hiệu ứng xã hội tích cực.
Yếu tố cộng đồng và yếu tố trách nhiệm xã hội gắn liền với nhau. KTS không chỉ thiết kế theo đơn đặt hàng mà còn tìm tòi, chủ động đến với bà con vùng sâu, vùng xa để giúp đỡ họ thông qua việc vận động tài trợ hay thiết kế, thậm chí bỏ công sức để cùng kiến tạo công trình đó.
Theo KTS Nguyễn Thu Phong, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, tinh thần trách nhiệm hướng về đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, những người gặp khó khăn bởi thiên tai, dịch bệnh thể hiện sự hăng hái của các KTS trẻ hiện nay. “Điều đó gây cảm hứng cho các KTS trẻ hoặc sinh viên. Họ không chỉ học về thiết kế mà còn hướng đến việc tạo ra các đơn đặt hàng cho người có tiền hay những công trình được đầu tư bài bản, ngay cả những cộng đồng yếu thế cũng có thể được thụ hưởng những sản phẩm kiến trúc thú vị” - KTS Nguyễn Thu Phong nói.
Với quan điểm rằng bản chất của kiến trúc là vì cộng đồng, KTS Hoàng Thúc Hào cho rằng: “KTS phải nêu gương, tạo dựng môi trường sống có văn hóa cho cộng đồng. KTS có trách nhiệm hướng đến những cộng đồng yếu thế ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đó là trách nhiệm nghề nghiệp, là tình yêu đất nước. Dấn thân sẽ không bao giờ thiệt thòi, vì xã hội sẽ nhận ra và trả công cho anh xứng đáng. Tôi tin sẽ có nhiều bạn trẻ đi theo con đường đó”.
Thể hiện trách nhiệm xã hội và hướng tới cộng đồng không chỉ là trào lưu của giới trẻ hay các KTS trong nước, mà còn là cảm hứng của giới KTS quốc tế. Điều này cũng phù hợp với các phong trào bảo vệ môi trường, các hoạt động xã hội hướng đến những nhóm dân cư đang chịu thiệt thòi do tác động của biến đổi khí hậu. Những tác phẩm của các KTS Việt Nam đoạt giải thưởng quốc tế, giải thưởng của Liên hiệp Hội Kiến trúc sư Thế giới dành cho các công trình nhà ở của đồng bào chịu ảnh hưởng do thiên tai, nhà vệ sinh vùng cao, những công trình kiến trúc ưu tiên sử dụng vật liệu địa phương, tiếp biến truyền thống… cho thấy sự quan tâm của giới KTS cũng như toàn xã hội.
“Tôi tin sẽ có nhiều nhà hảo tâm cùng chúng tôi chung tay xây dựng những công trình như vậy. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các KTS dấn thân vì cộng đồng và xã hội. Về hiệu quả, các công trình ấy có thể dự thi quốc tế, cũng là một cách để PR, từ đó họ sẽ nhận được những dự án thiết kế khác” - KTS Hoàng Thúc Hào khẳng định.
KTS là những người sáng tạo, góp phần kết nối con người với môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa - xã hội. Sự dấn thân của họ sẽ góp phần thay đổi nhận thức xã hội để tạo ra những nơi chốn nhân văn và bền vững cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.